Học cách của người Nhật để phát hiện sớm ung thư dạ dày
(Dân trí) - Nhật là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm tại quốc gia này rất cao, trong khi ở nước ta thì ngược lại, đa phần ở giai đoạn muộn.
Chia sẻ tại hội thảo khoa học tiêu hóa lần thứ 8 giữa Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Nagoya (Nhật) diễn ra tại Hà Nội ngày 14/10, TS Ryoji Miyahara, khoa Tiêu hóa & Gan mật, Đại học Y tế Fujita (Nhật Bản) cho biết, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày tại Nhật đứng thứ 2 thế giới, với 31 ca trên 100.000 dân. Con số này tại Việt Nam là 15 trên 100.000 dân, đứng thứ 10.
Đáng chú ý, đa phần bệnh nhân ung thư dạ dày tại Nhật được phát hiện ở giai đoạn sớm, chiếm hơn 60%. Ở giai đoạn này, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 96%.
Để phát hiện sớm ung thư dạ dày có vai trò rất lớn của các máy nội soi hiện đại cho phép bác sĩ dễ dàng phát hiện các tổn thương dù là nhỏ nhất. Việc tầm soát ung thư dạ dày ở Nhật tập trung ở nhóm có nguy cơ cao.
PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, ở Nhật, nhờ chẩn đoán, phát hiện, điều trị sớm các bệnh ung thư đường tiêu hóa nên cơ hội chữa khỏi bệnh cao, thời gian sống gần như bình thường. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, các bác sĩ chỉ cần cắt tổn thương qua nội soi, sau 1-2 ngày bệnh nhân có thể ra viện.
"Theo ước tính, một năm họ phát hiện được khoảng 20.000 ca ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Con số này ở nước ta vẫn còn khiêm tốn, chỉ vài nghìn ca, tại Bệnh viện Bạch Mai là khoảng 20 ca một tuần", PGS Long nhấn mạnh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có 800 đến 1.000 người được nội soi tiêu hóa. Các tổn thương phát hiện nhiều nhất ở đại tràng, dạ dày, thực quản.
Theo PGS Long, nội soi là cách duy nhất để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư dạ dày nói riêng. Hiện nay có nhiều loại máy hiện đại có khả năng phóng đại, thay đổi màu sắc để dễ dàng nhận diện tổn thương.
Một số nước khuyến cáo độ tuổi tầm soát các bệnh lý đường tiêu hóa với nữ là từ 45, nam giới từ 50. Bên cạnh đó còn căn cứ vào các yếu tố nguy cơ để xác định khi nào cần tầm soát, bao lâu tầm soát một lần.
Những nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh lý ống tiêu hóa là tuổi cao (người trên 50 tuổi nên bắt đầu tầm soát nếu không có các yếu tố nguy cơ), nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu bia, người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, đại tràng…
Một người vừa nghiện thuốc vừa uống rượu nhiều thì nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa đặc biệt là ung thư thực quản rất cao. Những trường hợp đã phát hiện các tổn thương ở dạ dày như viêm teo nặng phải tầm soát hàng năm.
Ở giai đoạn sớm, các bác sĩ chỉ cần cắt dưới niêm mạc qua nội soi, còn ở giai đoạn muộn hơn có thể phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở.
Vì thế, hội thảo khoa học tiêu hóa lần thứ 8 này tập trung vào chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý ống tiêu hóa mật tụy, đặc biệt là các bệnh ung thư dạ dày, thực quản, đại tràng gặp khá phổ biến ở nước ta.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, điểm khác biệt của hội thảo lần này là bên cạnh báo cáo viên đến từ Nhật, còn có chuyên gia đến từ Đài Loan, Thái Lan.
Các báo cáo viên đến từ nhiều nền y tế khác nhau sẽ chia sẻ các kinh nghiệm hay trong thực hành lâm sàng nội soi tiêu hóa như kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc ESD điều trị tổn thương tiền ung thư, ung thư sớm đường tiêu hóa. Những cập nhật, áp dụng mới của siêu âm nội soi trong chẩn đoán và can thiệp bệnh lý đường mật - tụy.
Bệnh viện Bạch Mai đã và đang tiếp tục đầu tư về máy móc trang thiết bị cũng như con người để giúp cho chuyên ngành nội tiêu hóa tiếp cận được với các tiến bộ chung của y học thế giới.
GS.TS Hidemi Goto, Giám đốc Bệnh viện Meijo (Nhật) cho biết thêm, vấn đề của Việt Nam là nhiều bác sĩ giỏi tập trung ở bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến cuối. Vì thế, hội thảo khoa học này là cơ hội đào tạo cho các bác sĩ tuyến dưới, từ đó giảm tải cho Bệnh viện Bạch Mai.