Bệnh ung thư diễn biến âm thầm ở phụ nữ
(Dân trí) - Ở giai đoạn sớm, bệnh ung thư cổ tử cung nhiều khi không có triệu chứng. Ở giai đoạn sau, chị em có thể thấy ra máu âm đạo bất thường, đặc biệt ra máu sau khi quan hệ.
Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của cổ tử cung. Bệnh bắt đầu từ sự biến đổi của một số tế bào thuộc lớp biểu mô gai bao phủ toàn bộ cổ tử cung và liên tiếp phủ toàn bộ lòng âm đạo. Sự biến đổi của các tế bào này khởi nguồn hoàn toàn lành tính ở cổ tử cung bởi sự tác động của nhiều yếu tố trong đó có virus HPV được coi là nguyên nhân.
Sự biến đổi này bắt đầu từ bề mặt rồi ăn sâu dần xuống lớp đáy, từ lành tính chuyển thành tiền ung thư, ung thư tại chỗ rồi cuối cùng là ung thư thực sự (còn gọi là ung thư xâm lấn).
Triệu chứng của bệnh
Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, ở giai đoạn sớm, ung thư cổ tử cung diễn biến âm thầm và chậm chạp, nhiều khi không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn có thể thấy ra máu âm đạo bất thường, đặc biệt ra máu sau khi giao hợp. Giai đoạn muộn hơn có thể đau vùng bụng dưới, đau khi giao hợp, đau lưng, đau chân, phù chân do chèn ép và thường gặp là sút cân.
Nhưng đã có triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn mà kết quả không được tốt. Hơn nữa HPV và các tổn thương do chúng gây nên trong quá trình hình thành ung thư cổ tử cung nên các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển đã áp dụng chiến thuật sàng lọc phát hiện, điều trị ngay từ những tổn thương CIN I đến ung thư tại chỗ và các giai đoạn sớm ung thư cổ tử cung.
Theo hướng dẫn năm 2010 của châu Âu, sàng lọc nên bắt đầu từ lứa tuổi 20 -30 nhưng không nhất thiết là trước 25 hay 30 tuổi mà điều đó phụ thuộc vào tỷ lệ mắc bệnh cao hay thấp và khả năng nguồn lực của quốc gia đó. Thí dụ, ở Mỹ chỉ có 0,1% ung thư cổ tử cung có tuổi < 20 nên họ bắt đầu sàng lọc từ tuổi 21.
Những phụ nữ có những yếu tố nguy cơ cao như: quan hệ tình dục sớm, có con trước 17 tuổi, hút thuốc lá… thì phải được sàng lọc sớm hơn.
Các phương pháp sàng lọc bao gồm các bước:
- Thử nghiệm Pap (Pap test) hay nhuộm tế bào bong theo Pap
- Soi cổ tử cung
- Sinh thiết để chẩn đoán mô bệnh học
- Xử trí các tổn thương nhẹ và tiền ung thư cổ tử cung
Các yếu tố nguy cơ của bệnh
- Quan hệ tình dục sớm trước 17 tuổi
- Quan hệ tình dục với nhiều người
- Sinh đẻ nhiều lần
Ở những phụ nữ sinh từ 3 con trở lên tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh 1 - 2 con.
- Viêm sinh dục do virus Herpes simplex và virus HPV
- Suy giảm miễn dịch, yếu tố nội tiết
- Các yếu tố khác: giống nòi, tình trạng kinh tế - xã hội, nghiện thuốc lá, thực phẩm thiếu sinh tố A, acid folic…
- Ung thư cổ tử cung liên hệ chặt chẽ với các bệnh lây qua đường tình dục
Người ta ước tính khoảng 80% phụ nữ có một lần nhiễm HPV trong suốt cuộc đời họ. Khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV đó là nhóm nguy cơ cao gây ung thư.
Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, Giảng viên Đại học Y Hà Nội, virus HPV là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất. Chúng được tìm thấy ở 70% trong tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Theo PGS Hồng, nhiễm HPV có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào. Tuổi càng cao thì càng ít nhiễm mới HPV nhưng nguy cơ nhiễm mạn tính lại gia tăng. Ung thư cổ tử cung không phải bệnh di truyền.