Bệnh tự kỷ hình thành từ trong bụng mẹ
(Dân trí) - Các nhà khoa học trường Y học San Diego thuộc Đại học California và Viện Khoa học não bộ Allen (Mỹ), đã tìm thấy những bằng chứng khoa học về việc căn bệnh tự kỷ bắt đầu hình thành ngay từ giai đoạn đầu trong tử cung mẹ.
Các nhà khoa học đã phân tích 25 gen trong mô não của những em bé đã chết. Một số em bị tự kỷ, số khác thì không. Các nhà khoa học đã nghiên cứu những gen có nhiệm vụ làm dấu ấn sinh học cho mô não ở các lớp vỏ não khác nhau, những gen có thể gây ra tự kỷ và một số loại gen khác.
Theo BS Eric Courchesne, giáo sư thần kinh học và là giám đốc Trung Tâm Tự kỷ (San Diego, Mỹ), trong quá trình mang thai, não ngoài của trẻ sẽ được hình thành bởi 6 lớp não. Tuy nhiên, ở những trẻ mắc tự kỷ, những lớp não ngoài này sẽ không lành lặn và thường sẽ thấy có sự xuất hiện những màng nhỏ li ti, nhưng cũng đủ để gây nên bệnh tự kỷ. Điều bất ngờ hơn là những trẻ bị tự kỷ từ trong bào thai đều phát bệnh ở những giai đoạn rất sớm của thai kỳ.
Trong quá trình não bộ bắt đầu hình thành, mỗi lớp não ngoài sẽ hình thành những mô não đặc trưng cho từng lớp não, để sau này xử lý các loại thông tin cụ thể. Trong quá trình mô não phát triển thành các lớp não, “chữ ký” gen (gene signature) đặc thù cũng sẽ được hình thành. Nghiên cứu cho thấy trong não những em bé bị tự kỷ đã thiếu mất đi “chữ ký” gen đặc thù trong một hoặc một số lớp não ngoài.
Chính khiếm khuyết này này là nguyên nhân làm ngăn cản sự hình thành của 6 lớp não ngoài khỏe mạnh, ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ. Hơn nữa, những khiếm khuyết trong “chữ ký” gen này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của các lớp não, thế nên mức độ và loại tự kỷ cũng khác nhau.
Những vị trí bị khiếm khuyết nhiều nhất thường là ở vị trí trán và thái dương.
Khiếm khuyết “chữ ký” gen ở phần trán sẽ dẫn đến khó khăn trong giao tiếp và nhận thức đối với các cử chỉ. Còn khiếm khuyết ở phía thái dương sẽ ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ. Những dấu hiệu này cũng là những dấu hiệu phổ biến nhất của trẻ bị tự kỷ.
Các nhà khoa học đều có chung một quan điểm là nghiên cứu về nguồn gốc của bệnh tự kỷ rất phức tạp, vì thường sẽ phải nghiên cứu trên não của những đứa trẻ đã sinh ra hoặc người lớn. Nhưng trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm ra nguyên nhân tự kỷ ở những bệnh nhân ngay từ trong bụng mẹ và đã xác định được cách căn bệnh này phát triển từ trong tử cung.
Ngoài ra, việc tìm ra nguyên nhân tự kỷ là do các bất thường ở một số vùng trong các lớp của não ngoài, thay vì bất thường trong toàn bộ não cũng đưa ra nhiều hy vọng chữa trị và cải thiên căn bệnh đang ngày càng phổ biến này.
Theo các nhà nghiên cứu, những bất thường ở từng vùng não bộ cũng giải thích được vì sao trẻ bị tự kỷ, qua một thời gian tập luyện sẽ cải thiện và có những chuyển biến tích cực hơn.
Nghiên cứu này cũng đồng tình với quan điểm là trong não bộ những trẻ bị tự kỷ, đôi lúc, não có thể tự kết nối lại được với những khiếm khuyết ban đầu; vì vậy, điều này cũng mở ra hy vọng rằng hiểu được về những mảng bị khiếm khuyết này sẽ giúp cho việc lý giải sự cải thiện tình trạng tự kỷ ở trẻ qua thời gian chữa trị.
Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Y học New England.
Trà Mi
Theo DM