Bệnh thủy đậu dễ lây trong trường học

Thủ phạm gây ra thủy đậu là Varicella Zoster virus (VZV). Biến chứng thường gặp là nhiễm trùng các nốt ban dẫn đến nhiễm trùng da có thể để lại sẹo. Bệnh rất dễ lây, xảy ra nhiều ở những nơi đông đúc như trường học do phát hiện muộn, không áp dụng biện pháp phòng ngừa...

Dễ lây lan ở những nơi tập thể như trường học

Bệnh thủy đậu còn gọi là bệnh trái rạ hay phỏng rạ do siêu vi trùng Varicella zoster gây ra, là bệnh sốt phát ban có bóng nước gây ngứa toàn thân, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng 90% bệnh nhân là trẻ em. Trẻ bị Thủy đậu khi nói, ho, hắt hơi, ,…các vi rút sẽ phát tán trong không khí. Khi chúng ta hít vào hoặc khi tiếp xúc gần với mụn nước của trẻ đang bệnh thì vi rút theo vào cơ thể sinh sôi thành “tập đoàn” và chỉ trong 2-3 tuần là trình diện trên da. Thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi của bạn… có chứa vi rút gây bệnh. Bệnh thủy đậu rất dễ lây, xảy ra nhiều ở những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học do các nguyên nhân như phát hiện muộn, không áp dụng biện pháp phòng ngừa.

Đừng nên coi thường bệnh này

Một số trẻ do không được chăm sóc kỹ  nên khi trẻ gãi móng tay vào mụn nước, chúng vỡ ra gây nhiễm trùng da, đến khi lành bệnh, nơi đây có thể tạo thành những sẹo làm trẻ dễ mất tự tin khi lớn lên.

Trong trường hợp bệnh tiến triển quá nặng, sẽ dẫn đến biến chứng viêm phổi vi rút tiên phát, thậm chí cũng có tử vong do bệnh này. Một con siêu vi tưởng như chỉ hoành hành ngoài da rồi hô biến nhưng chúng vẫn không từ bỏ cơ hội để chui vào trong cơ thể của bé mà gây hại, để lại những di chứng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ.

Bệnh thủy đậu dễ lây trong trường học - 1

Các bà mẹ hãy chủ động chủng ngừa thủy đậu cho con mình

Các bà mẹ thường lo lắng bệnh có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da, làm xấu trẻ. Tuy vậy lại có những chăm sóc tại nhà không đúng như tránh ánh sáng, cữ nước, kiêng gió; điều trị theo lời mách bảo như bôi phấn rôm, đắp lá cây, chọc vỡ các mụn nước gây biến chứng nhiễm trùng; hoặc tự ý dùng thuốc có chứa corticoids thường làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Bệnh thủy đậu lây lan sớm, độ lây lan cao nên chủng ngừa bằng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa bệnh và giảm độ nặng của bệnh. Vắc-xin được dùng tiêm ngừa cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở đi. Liều tiêm ngừa chia làm 2 nhóm tuổi: từ 12 tháng đến 12 tuổi chích 1 liều. Cũng theo khuyến cáo của Ủy Ban Thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ vào tháng 6/2007, có thể chích thêm 1 liều vắc-xin thủy đậu nữa để gia tăng hiệu quả bảo vệ tối đa vì mặc dù đã được tiêm ngừa 1 liều vắc-xin trước đó, trẻ vẫn dễ mắc Thủy đậu do miễn dịch của trẻ đối với Thủy đậu giảm dần theo thời gian. Đối với trẻ từ 13 tuổi trở lên chích 2 liều, khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 6 tuần trở đi.

Thời điểm tiêm ngừa

Hàng năm, bệnh Thủy đậu thường xảy ra vào mùa Đông Xuân từ tháng 2-5 và đỉnh điểm của dịch vào khoảng tháng 3-4. Cho nên, tiêm ngừa nên được thực hiện trước khi mùa bệnh xảy ra để tránh nhu cầu tăng cao gây khan hiếm thuốc chủng ngừa. Tiêm sau khi tiếp xúc với người bệnh đôi khi vẫn có thể mắc bệnh do đã bị nhiễm bệnh mà vắc-xin chưa kịp có tác dụng.

Hãy chủ động đưa con bạn đến tư vấn bác sĩ & chủng ngừa thủy đậu khi các bé đã vào mùa tựu trường, tránh tình trạng mắc thủy đậu và lây lan trong trường học.

ThS.BS Cao Hữu Nghĩa
Viện Pasteur TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm