Bệnh thêm trầm trọng vì kem chống nắng, mỹ phẩm "dỏm"
(Dân trí) - Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc BV Da liễu Trung ương - kem chống nắng không chỉ bảo vệ da, ở một số bệnh lý, nếu dùng kem chống nắng "dỏm", "bôi cũng như không" làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Cảnh giác trước "ma trận" mỹ phẩm làm đẹp
Chia sẻ bên lề Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 8 khai mạc tối 22/5, tại Phú Quốc, Kiên Giang, PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết, các mỹ phẩm chăm sóc da không chỉ có vai trò làm đẹp, mà còn bảo vệ da, bảo vệ sức khỏe.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (Ảnh: Hồng Hải).
Vì thế, việc sử dụng các loại mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn rất quan trọng trong làm đẹp, điều trị các bệnh lý da liễu. "Các mỹ phẩm để vào được Bệnh viện Da liễu Trung ương, chúng tôi kiểm soát rất kỹ về hồ sơ, chất lượng, đảm bảo sản phẩm tốt nhất trong chăm sóc, điều trị các bệnh da liễu", PGS Doanh nói.
Mới đây, Cục Quản lý Dược đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô kem chống nắng, do chỉ số chống nắng trên nhãn ghi SPF 50 nhưng kiểm nghiệm chỉ số SPF chỉ là 2,4. Theo chuyên gia, sử dụng phải mỹ phẩm, kem chống nắng "dỏm" gây hại rất lớn cho da, cho sức khỏe.
"Việc sử dụng phải kem chống nắng "dỏm", bôi cũng như không chỉ gây tác hại trực tiếp đến da, do không bảo vệ được làn da trước ánh nắng, mà nó còn có thể khiến một số bệnh toàn thân thêm trầm trọng.
Một số bệnh lý liên quan đến chống nắng như lupus ban đỏ, và các bệnh lý cần chống nắng khác nếu dùng kem chống nắng không đạt chuẩn sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Trường hợp bệnh nhân được chỉ định dùng kem chống nắng thường xuyên nhưng chất lượng chống nắng không như mong muốn thì hậu quả tác động của ánh nắng đến bệnh lý là rất lớn, bệnh dễ trầm trọng", PGS Doanh nói.
Ngoài kem chống nắng, các sản phẩm mỹ phẩm, bôi da làm đẹp, điều trị bệnh da khác, nếu sử dụng phải các sản phẩm kém chất lượng, có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Theo Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, những năm gần đây, các xu hướng làm đẹp như dùng retinol, tretinoin để lột da, peel da, tiêm meso, BAP, filler… bùng nổ. Đáng ngại, không ít người tin tưởng các quảng cáo "nổ", peel da đến bỏng, tiêm filler tại cơ sở không đảm bảo gây hậu quả nặng nề, thậm chí mù mắt vì tắc mạch.
"Xu hướng làm đẹp ít xâm lấn, sinh học với phương pháp tăng sinh và tái tạo tự nhiên, không phẫu thuật, được nhiều người quan tâm bởi hiệu quả và an toàn. Nhưng thực tế, cuốn vào những quảng cáo sai lệch và kỳ vọng quá mức, ở những cơ sở không đảm bảo, chưa được cấp phép, sản phẩm kém chất lượng...", PGS Doanh nói.
Ông nhấn mạnh, làm đẹp an toàn cần cân nhắc đến nền tảng da, phương pháp và nơi thực hiện. "Dục tốc bất đạt", việc làm đẹp phải an toàn và không nên nghe theo quảng cáo làm đẹp nhanh, thần tốc.
PGS Doanh cũng cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân đến khám do viêm da tiếp xúc, kích ứng hoặc phản ứng với thành phần dược, hóa chất có trong mỹ phẩm mà người dùng không biết hoặc không ghi rõ trên nhãn.
TS.BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, việc gian dối, không ghi rõ thành phần trong mỹ phẩm rất nguy hiểm. Khi không biết rõ thành phần, người dùng không biết liều lượng, việc dùng quá liều một số hoạt chất có thể gây ra bệnh lý toàn thân, không riêng gì vùng da ngoài.
Cập nhật nhiều tiến bộ trong da liễu thẩm mỹ
Theo PGS Doanh, tại Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 8, nhiều chuyên đề về da liễu thẩm mỹ được các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ. Trong đó, nhiều chuyên đề cập nhật các tiến bộ mới trong chuyên ngành da liễu thẩm mỹ, tập trung vào các nghiên cứu, kỹ thuật và xu hướng thẩm mỹ nội khoa trong điều trị da liễu hiện đại.

Hội nghị Da liễu thẩm mỹ lần thứ 8, có sự tham gia của 1.500 đại biểu trong và ngoài nước, với nhiều chuyên đề về thẩm mỹ da liễu được trình bày (Ảnh: Anh Anh).
Hội nghị diễn ra trong ba ngày, với hai phiên toàn thể và 20 phiên chuyên sâu, thu hút hơn 1.500 đại biểu trong nước và 11 chuyên gia quốc tế từ Pháp, Ý, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ…, khẳng định sự hội nhập sâu rộng của ngành da liễu với y học thế giới.
Bên cạnh các báo cáo về kỹ thuật laser, tiêm chất làm đầy, căng chỉ, điều trị sẹo, nám, tái tạo và tạo hình khuôn mặt, việc chia sẻ kinh nghiệm xử lý biến chứng trong thẩm mỹ tiếp tục là chủ đề được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Chu Tấn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết, da liễu hiện không chỉ điều trị bệnh thông thường mà còn mở rộng sang dịch tễ học, miễn dịch da, da liễu cộng đồng, thẩm mỹ và đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị.
"Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về y tế tại địa phương, chúng tôi luôn đồng hành cùng các Bệnh viện, Viện nghiên cứu, các Hội chuyên ngành trong việc xây dựng môi trường học thuật mở, phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu và khuyến khích nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là trong chuyển đổi số y tế - hướng đi then chốt trong giai đoạn sắp tới" - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang nói.