1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh thận nặng thêm vì dùng thuốc nam

(Dân trí) - Khi phát hiện mắc bệnh thận, nhiều người Việt vẫn có thói quen tự dùng các thảo dược điều trị khiến không ít trường hợp biến chứng suy thận nặng, phải nhập viện điều trị.


Bệnh nhân suy thận lọc máu chu kỳ tại khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai (Ảnh: H.Hải)
Bệnh nhân suy thận lọc máu chu kỳ tại khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai (Ảnh: H.Hải)

Ngày 12/3 tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thận thế giới với chủ đề “Thận khỏe cho mỗi người”, TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Việt Nam có khoảng 5 triệu người bị suy thận. Mỗi năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới được phát hiện và bệnh ngày càng có xu hướng tăng lên. Trong đó,  có nhóm bệnh là những người trẻ tuổi bất ngờ phát hiện suy thận do mắc các bệnh lý không được phát hiện, điển hình là cao huyết áp. Vì thế, để phát hiện bệnh thận sớm cần đi khám sức khỏe định kỳ. Những người đã mắc bệnh thì cần tuân thủ điều trị để bệnh không tiến triển nặng hơn dẫn đến việc phải chạy thận nhân tạo, ghép thận.

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy thận. Trước đây, bệnh viêm cầu thận là bệnh lý chủ yếu gây ra suy thận thì nay có nhiều bệnh lý chuyển hóa là tác nhân gây suy thận như tiểu đường, cao huyết áp. Trong đó đặc biệt là do bệnh tiểu đường gây ra. Trước đây chỉ có khoảng 4-6% suy thận do đái tháo đường thì nay lên đến 20%. 

Đáng nói, có nhiều bệnh nhân mới bị suy thận nhẹ, suy thận nhưng chưa có chỉ định chạy thận nhân tạo, thậm chí cả những bệnh nhân mới được chỉ định chạy thận bị biến chứng suy thận nặng do không tuân thủ điều trị hoặc tự ý kết hợp điều trị bằng các thuốc thảo dược.

“Thận là cơ quan đào thải kali chủ yếu của cơ thể. Trong khi đó ở các loại cây cỏ, thảo dược khô có hàm lượng kali cao. Mà khi thận bị suy sẽ không thể đảm đương việc thải lọc kali nê hậu quả là nồng độ chất này trong cơ thể tăng cao khi bệnh nhân sử dụng thảo dược. Với những bệnh nhân suy thận, nồng độ kali từ trên 5mmol/l đã là mức độ nguy hiểm, gây rối loạn nhịp tim, ngưng tim, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong nếu không cấp cứu kịp thời”, BS Dũng cảnh báo.

Ngay tại khoa, có những bệnh nhân đến điều trị suy thận, bác sĩ đã kê thuốc tốt nhất nhưng tái khám tình trạng không chuyển biến. Hỏi ra thì bệnh nhân có dùng thuốc nam hoặc thuốc thảo dược kèm theo thuốc tây. Trong khi hàm lượng kali có nhiều trong cây cỏ, thảo dược khô, hoa quả sấy khô.

BS Dũng khuyến cáo, để phòng bệnh mọi người cần tuân thủ 8 nguyên tắc vàng: Hoạt động thể lực phù hợp, Kiểm soát đường huyết, Theo dõi huyết áp, Chế độ ăn phù hợp và kiểm soát cân nặng, Uống lượng nước thích hợp, Không hút thuốc lá, Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, Kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ. Những người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, gút, tăng huyết áp... thì cần lưu ý, tránh để biến chứng sang suy thận. 

Tại buổi lễ mít tinh sáng 12/3, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân thực hiện lối sống lành mạnh theo 8 nguyên tắc vàng trên và cần quan tâm đến khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh thận. 

Thận là một bệnh có thể kiểm soát được và bệnh nhân sẽ có cuộc sống bình thường nếu bệnh nhân được điều trị, kiểm soát tốt. Có những người suy thận điều trị nội khoa bằng thuốc hàng chục năm mới lên độ suy thận, thậm chí 20 năm mới bắt đầu phải bước vào lọc máu. Tại BV Bạch Mai có bệnh nhân sau hơn 10 năm điều trị nội khoa, bước sang giai đoạn suy thận 3B, giai đoạn 4 phải chạy thận và vẫn khỏe mạnh sau 15 năm chạy thận.

Hồng Hải