Đồng Tháp:

Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn duy trì ở mức cao

(Dân trí) - Theo báo cáo từ Sở Y tế Tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong tuần 39, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn duy trì ở mức cao. Nếu tính đến nay số ca nhiễm sốt xuất huyết là 1470 ca; bệnh tay chân miệng là 2342 ca.

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh, trong tuần 39 (từ 28/9 - 4/10), số ca nhiễm sốt xuất huyết (SXH) là 1.470 ca, trong đó có 115 trường hợp nặng và 2 ca tử vong. Những địa phương có số ca SXH cao, gồm: TP. Cao Lãnh 23 ca; huyện Hồng Ngự 19 ca; huyện Tam Nông 16 ca; Huyện Tháp Mười 14 ca và huyện Cao Lãnh 12 ca.

Theo nhận định của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, bệnh SXH vẫn duy trì ở mức cao, số ca SXH trong tuần 39 tăng 25,6% (tăng 23 ca so với tuần 38), trong tuần có 7 ca nặng, không có ca nào tử vong. Số ca SXH cộng dồn đến tuần 39 năm 2015 tăng 168,4% (↑928 ca) so với cùng kỳ năm 2014.


Theo ngành y tế Đồng Tháp cho biết dịch bệnh SXH và tay chân miệng vẫn duy trì ở mức cao, vì thế người dân cần chủ động phòng ngừa với hai loại bệnh nguy hiểm này

Theo ngành y tế Đồng Tháp cho biết dịch bệnh SXH và tay chân miệng vẫn duy trì ở mức cao, vì thế người dân cần chủ động phòng ngừa với hai loại bệnh nguy hiểm này

Về biện pháp ngăn ngừa, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo tiếp tục thực hiện phun hóa chất chủ động lần 2 tại các địa phương có số ca SXH cao và các điểm có nguy cơ bùng phát dịch ở các huyện, như:  Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Giám sát chiến dịch diệt lăng quăng tại một số xã có nguy cơ của các huyện: Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự, huyện Tam Nông, huyện Tháp Mười, TP Cao Lãnh và huyện Châu Thành.

Riêng bệnh tay chân miệng (TCM), Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cũng nhận định, dịch bệnh vẫn đang duy trì ở mức cao. Cụ thể, trong tuần 39 số ca TCM mới là 111 ca. Nếu tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2.342 trẻ mắc bệnh, trong đó số ca trẻ dưới hoặc bằng 3 tuổi là 2.052 ca, có một ca tử vong.

Những vũng nước đọng này là ổ chứa lăng quăng, nguy cơ tiềm ẩn bệnh sốt huyết rất cao
Những vũng nước đọng này là ổ chứa lăng quăng, nguy cơ tiềm ẩn bệnh sốt huyết rất cao

Các huyện có số trẻ bị TCM cao gồm: Huyện Cao Lãnh: 29 ca; Tp.Cao Lãnh: 19; H. Tháp Mười: 12. Trong tuần 39,  có 111 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 99 ca ≤ 3 tuổi chiếm tỷ lệ 89,18%; có 02 ca TCM độ 2B và 01 ca độ 4 tử vong. Bênh nhân là cháu Võ Đoàn Tuấn Khang, sinh ngày: 01/02/2014 (ngụ ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, H. Cao Lãnh)

Như vậy, trong tuần 39 bệnh TCM tăng 5,71% (tăng 6 ca) so với tuần 38, giảm 38,59% (-1420 ca) so với cùng kỳ năm 2014. Hiện ngành y tế tỉnh Đồng Tháp cùng một số ngành liên quan, tích cực tuyên truyền về cách phòng ngựa bệnh tay chân miệng cho trẻ em, trong đó, biện pháp hữu hiệu nhất phòng vệ cho bé là công tác vệ sinh cá nhân và vệ sinh những dụng cụ, đồ chơi mà bé hay tiếp xúc.

Nguyễn Hành

(haihanh@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm