Bệnh són tiểu
Són tiểu có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào từ nam giới, nữ giới, người già đến trẻ em. Hiện tượng này tưởng như đơn giản nhưng ảnh hưởng nhiều tới tâm lý cũng như cuộc sống gia đình và xã hội của nhiều người, nhất là phụ nữ.
Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV són tiểu được hiểu là khi nước tiểu thoát ra khỏi cơ thể theo đường tiểu tự nhiên mà không theo mong muốn. Đây là một vấn đề hết sức tế nhị và kín đáo, đôi khi một số người bị mặc cảm và tự cho là xấu hổ, không dám nói ra hay kể lại cho người thân và bạn bè của mình.
Tuy són tiểu có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào nhưng điều đáng quan tâm là có đến 10 - 20% phụ nữ trong cộng đồng mắc bệnh này, nhất là sau khi sinh hoặc ở độ tuổi 55 trở lên, do đặc điểm riêng biệt về cấu trúc cơ thể học vùng tầng sinh môn phụ nữ, ảnh hưởng trong quá trình mang thai hay ảnh hưởng về nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh: làm mềm nhão mô tế bào vùng cơ quan niệu - sinh dục. Ngoài ra, những phụ nữ trẻ làm việc căng thẳng, thường chơi thể thao nặng hoặc nghỉ ngơi quá ít sau kỳ thai sản cũng thường gặp són tiểu.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến cho biết són tiểu thường xảy ra khi có tình trạng gia tăng áp lực trong ổ bụng như cười to, hắt xì, ho mạnh, khiêng vật nặng, hoặc khi chơi thể thao (tennis, chạy bộ, bóng chuyền, bóng rổ…).
Có 2 loại són tiểu thường gặp: Tiểu không kiểm soát do gắng sức thường xảy ra ở phụ nữ do sự suy yếu của các cơ vùng tầng sinh môn và cơ thắt kiểm soát sự đi tiểu. Dưới ảnh hưởng gia tăng áp lực ổ bụng, nước tiểu tự động thoát ra ngoài. Loại thứ 2 là tiểu không kiểm soát do bọng đái bất ổn định tăng hoạt động quá mức hoặc do bế tắc đường tiểu, thường xảy ra ở đàn ông lớn tuổi. Một trong những bệnh lý thường gặp đưa đến hiện tượng này là phì đại tiền liệt tuyến.
Hiện nay, nhờ tiến bộ của y học, đa số các trường hợp són tiểu có thể chữa trị khỏi. Đôi khi chỉ cần bệnh nhân nghe theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa và tập các động tác nhằm tăng cường sức cơ của cơ quan kiểm soát sự đi tiểu là đã có thể giải quyết được tình trạng són tiểu này. Nếu không, sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm đầy đủ bằng các kỹ thuật chẩn đoán đặc biệt (Niệu động lực học), bác sĩ sẽ cho chỉ định điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật.
Với tiểu không kiểm soát do gắng sức thường xảy ra ở phụ nữ dưới ảnh hưởng gia tăng áp lực ổ bụng, chỉ cần giảm các yếu tố gắng sức phối hợp với tập luyện tăng cường sức cơ vùng hội âm thì hiện tượng són tiểu cũng có thể giảm đi hoặc biến mất hoàn toàn. Nếu bệnh vẫn kéo dài thì khi đó bác sĩ chuyên khoa mới cho chỉ định điều trị bằng phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến cho biết phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật đặt miếng nâng đỡ niệu đạo (TVT - TOT) chỗ cơ thắt kiểm soát đi tiểu. Đây là phẫu thuật qua đường tự nhiên, nhanh chóng hiệu quả, không đau và chỉ nằm viện 24 giờ. 90% phụ nữ đã khỏi bệnh sau khi được phẫu thuật.
Riêng với tiểu không kiểm soát do bế tắc đường tiểu bởi bướu tiền liệt tuyến, có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc nặng hơn được phẫu thuật để lấy đi tiền liệt tuyến phì đại gây tắc nghẽn. Có trường hợp bàng quang tăng hoạt động quá mức, điều trị bằng thuốc thất bại, bác sĩ có thể tiêm thuốc vào bàng quang qua nội soi (Toxine botulique A). Bệnh nhân sau khi được gây mê toàn thân sẽ được tiêm thuốc Dysport vào cơ bàng quang bằng kỹ thuật tiêm nội soi. Thủ thuật điều trị này khá nhanh chóng và tiện lợi vì mất chỉ khoảng 30 phút mà bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày, không đau với kết quả thành công khá cao.
“Vì đa số phụ nữ rất hay gặp bệnh són tiểu này”, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến khuyên rằng khi thấy có dấu hiệu són tiểu, hãy nghĩ ngay đến chuyện ghi lại thời gian và hoàn cảnh xảy ra các triệu chứng đó và bỏ qua mọi e dè đến gặp bác sĩ chuyên khoa Niệu khám, tư vấn để tìm phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Theo N.C
Thanh niên