1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân vượt tuyến vì "mất niềm tin"

Có nhiều trường hợp sốt xuất huyết được phát hiện sớm nhưng tử vong do khâu theo dõi điều trị chưa sát sao, thiếu kinh nghiệm, năng lực từ tuyến y tế cơ sở

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong năm 2017, cả nước ghi nhận hơn 181.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 152.659 ca nhập viện với 30 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc tăng 2,7%, tỉ lệ tử vong 0,03% trên tổng số ca mắc, thấp hơn các nước trong khu vực…

Lên tuyến trên thì đã muộn

Nhìn số liệu đáng mừng là vậy song ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, thừa nhận thực tế công tác điều trị loại dịch bệnh này tại tuyến y tế cơ sở còn nhiều nỗi lo.

Bệnh nhân vượt tuyến vì "mất niềm tin" - 1

Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) được biết đến là nơi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân mắc SXH nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Theo bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Nhi Đồng 1, trong số 13 trẻ mắc SXH tử vong trong năm 2017 tại đây, không chỉ có bệnh nhi bị chẩn đoán sai ở BV tuyến dưới mà có cả những bệnh nhi chẩn đoán đúng bệnh nhưng điều trị, theo dõi không đúng cách.

Tại BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, tình trạng cũng tương tự. Bác sĩ Trương Ngọc Trung, Phó Phòng Chỉ đạo tuyến BV Bệnh nhiệt đới TP, cho biết trong năm 2017, nơi đây có 10 ca mắc SXH tử vong, phần lớn đều được chuyển từ các cơ sở y tế tuyến dưới. Trong đó, có đến 30% người bệnh không được chống sốc kịp thời, lựa chọn dịch truyền chống sốc không đúng, tốc độ dịch truyền không đúng phác đồ điều trị, không phân biệt được sốc do thất thoát huyết tương hay do quá tải dịch truyền, chỉ định truyền máu không phù hợp, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nhưng lại sử dụng thuốc lợi tiểu, điều trị theo dõi chưa hợp lý nên khi phát hiện tình trạng bệnh nhân sốc thì đã quá muộn, cho xuất viện không hợp lý…

Cần đem lại niềm tin

Vượt tuyến chính là hành động biểu thị sự "mất niềm tin" của người bệnh vào các tuyến y tế cơ sở. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế chỉ ra có tới hơn 50% số bệnh nhân mắc các bệnh điều trị được tại tuyến huyện, hơn 1/3 bệnh nhân mắc bệnh tuyến tỉnh điều trị được nhưng vẫn lên khám chữa bệnh tại các BV tuyến trên.

Theo bác sĩ Phạm Văn Quang, để hạn chế tử vong do SXH, cần chú trọng tập huấn điều trị SXH cho đội ngũ điều dưỡng tuyến cơ sở vì đây là đội ngũ tiếp cận trực tiếp bệnh nhân. Việc theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng cảnh báo sốc kịp thời của điều dưỡng ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp cứu bệnh nhân sốc SXH. Ngoài ra, tiếp tục duy trì "Đường dây nóng chống dịch" với BV tuyến cuối để phối hợp hỗ trợ chuyên môn; thành lập nhóm điều trị SXH, bao gồm bác sĩ, điều dưỡng các chuyên khoa có kinh nghiệm, kiến thức và năng lực chuyên môn tốt.

Tại TP HCM, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, hiện 100% phường, xã trên địa bàn đã ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý khai báo bệnh truyền nhiễm trực tuyến) trong phòng chống SXH và đạt hiệu quả.

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động