Bệnh nhân ung thư vòm mũi họng cần lưu ý gì sau điều trị?

Hà An

(Dân trí) - Ung thư vòm phát hiện sớm rất khó vì có các triệu chứng vay mượn và khối u nằm sâu trong hốc mũi nên khám thông thường không phát hiện.

Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính, một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Bệnh dễ mắc phải ở những người có lối sống không lành mạnh, tiền sử gia đình có người mắc ung thư vòm họng, nam giới ở tuổi 40-60. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị khỏi bằng các can thiệp y tế như xạ trị, hóa trị. 

Bệnh nhân ung thư vòm mũi họng cần lưu ý gì sau điều trị? - 1

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng cao có thể kể đến là:

- Người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, tia phóng xạ, cao su, nhựa tổng hợp,…

- Ăn nhiều cá muối, thức ăn lên men như đồ muối chua, thịt hun khói.

- Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, sử dụng chất kích thích.

- Có tiền sử người thân trong gia đình (cha/mẹ/anh chị em) bị ung thư vòm họng.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa, Bệnh viện K Trung ương, sau điều trị bệnh nhân cần theo dõi định kỳ 1-3 tháng/lần trong năm đầu tiên, 3-4 tháng/lần trong năm thứ hai, 4-6 tháng/lần từ năm thứ 3 đến năm thứ 5. Sau đó khám định kỳ 6-12 tháng/lần. 

Bao gồm: 

- Khám lâm sàng: đánh giá tái phát tại chỗ, tình trạng di căn hạch, phát hiện các biến chứng muộn do xạ trị

- Nội soi tai mũi họng

- Siêu âm vùng cổ

- CT Scan hoặc MRI sọ mặt 6 tháng một lần

- Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ trong trường hợp nghi ngờ di căn hạch cổ. 

- Chụp X-quang phổi, siêu âm ổ bụng… đánh giá tình trạng di căn.