Bệnh nhân ung thư tuyến giáp phải làm gì khi kết thúc điều trị?

(Dân trí) - Sau kết thúc điều trị, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần tuân thủ lịch tái khám theo hiện của bác sĩ để xem bệnh có tái phát.

Ung thư tuyến giáp có nhiều loại khác nhau, hay gặp là ung thư tuyến giáp nhú, thể tủy, thể không biệt hóa, trong đó thể tủy và thể không biệt hóa có tiên lượng xấu hơn. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp đặc biệt là thể biệt hoá là bệnh ung thư tiên lượng rất tốt. 

Bệnh nhân ung thư tuyến giáp phải làm gì khi kết thúc điều trị? - 1

Theo GS. TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư có tiên lượng tốt nhất vì tiến triển chậm. Tỷ lệ sống thêm sau 10 năm từ 80-90%, thậm chí khi đã di căn hạch cổ hoặc di căn xa vẫn có còn có khả năng cứu chữa.

Tuy nhiên đối với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thì tỷ lệ sống thêm sau 5 năm dưới 50%. Rất may là loại ung thư này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số các loại ung thư tuyến giáp.

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân ung thư tuyến giáp một hoặc nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, iod phóng xạ, điều trị hormon, xạ trị từ bên ngoài, hóa chất, điều trị đích.

Quyết định chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi và tình trạng sức khỏe khác của bạn.

Sau khi kết thúc điều trị, bác sĩ Bệnh viện K Trung ương khuyến cáo rằng bạn nên đến khám 3 tháng/lần trong hai năm đầu, 1 năm/lần trong những năm kế tiếp để kiểm tra xem bệnh có quay trở lại hay không.

Các xét nghiệm bao gồm: khám lâm sàng, siêu âm tuyến giáp, chụp Xquang ngực, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu.

Nếu bạn có các triệu chứng như khàn tiếng, nuốt vướng, khó thở, sờ thấy hạch cổ, đau xương... thì có thể bệnh đã quay trở lại. Hãy đến khám lại sớm nhất có thể.

Ngoài ra, bạn cần chú ý nếu có bất kỳ tác dụng phụ của thuốc, hãy trao đổi cho bác sĩ sớm nhất có thể. Ngoài ra, quay lại khám đúng hẹn cũng là điều hết sức quan trọng.

Hà An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm