Bệnh nhân ung thư phổi được hóa trị trong trường hợp nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư phổi là một trong 3 ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu.

Nguyên nhân chủ yếu của ung thư phổi là liên quan đến thuốc lá chiếm 80-90%. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tiền sử bệnh (ví dụ: COPD), tiền sử bị bệnh ung thư, tiền sử gia đình, phơi nhiễm với các tác nhân gây ung thư (arsenic, chromium, asbestos, berrylium, silica, khói dầu).

Theo Bệnh viện K, hóa trị là một trong những phương pháp chính điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Hóa trị có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư và giúp ngăn chặn tế bào ung thư lan rộng sang các bộ phận khác.

Hóa trị có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, xạ trị, miễn dịch…Tùy vào giai đoạn bệnh, thể trạng, bệnh phối hợp cũng như điều kiện kinh tế của bệnh nhân, để bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Đối với những bệnh nhân giai đoạn muộn, bệnh tiến triển di căn xa thì hóa trị là phương pháp điều trị chính.

Khi nào hóa trị được sử dụng trong điều trị ung thư phổi?

Bệnh nhân ung thư phổi được hóa trị trong trường hợp nào? - 1

Hóa trị có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư và giúp ngăn chặn tế bào ung thư lan rộng sang các bộ phận khác (Ảnh: Internet).

Hóa trị được sử dụng trong ung thư phổi tùy vào giai đoạn và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân bao gồm những trường hợp sau:

- Hóa trị tân bổ trợ: Hóa chất được thực hiện trước phẫu thuật với mục đích làm giảm kích thước khối u để tạo thuận lợi cho việc phẫu thuật.

 - Hóa trị bổ trợ: Hóa chất được thực hiện giúp loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, làm giảm tỉ lệ tái phát và di căn.

- Hóa chất kết hợp với xạ trị: Thường được dùng cho những bệnh nhân ung thư phổi không thể mổ được và chưa có di căn xa.

 Hóa chất thực hiện riêng lẻ cho những bệnh nhân giai đoạn tiến triển, di căn xa. Hóa trị giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Hóa trị được sử dụng như thế nào?

Hóa chất điều trị trong ung thư phổi có thể được sử dụng qua hai con đường là đường uống và đường tiêm truyền tùy thuộc vào phác đồ điều trị của từng bệnh nhân.

Hóa trị thường được dùng theo chu kỳ. Giữa các chu kỳ hóa chất là thời gian bệnh nhân được nghỉ ngơi và giúp cơ thể hồi phục. Bệnh nhân nên đến đúng lịch hẹn điều trị của bác sĩ. Nếu bệnh nhân được điều trị hóa chất sớm trước chu kỳ sẽ làm tăng tác dụng phụ của hóa trị. Nếu bệnh nhân kéo dài thời gian đến điều trị sẽ làm giảm hiệu quả của hóa chất.

Tác dụng phụ thường gặp khi điều trị hóa trị ung thư phổi

Tác dụng phụ xảy ra trong điều trị hóa chất là do ngoài tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, hóa chất cũng ảnh hưởng lên tế bào lành khác. Tác dụng phụ thường xuất hiện sau truyền hóa chất từ 7 - 14 ngày.

Một số tác dụng phụ thường gặp như mệt mỏi, nôn, buồn nôn, ăn kém, hạ bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu, suy gan, suy thận, tê bì tay chân… Bệnh nhân truyền các loại hóa chất khác nhau thì có thể gặp tác dụng phụ khác nhau. Mỗi bệnh nhân sẽ có phản ứng khác nhau.

Để phát hiện và xử trí kịp thời, trước mỗi đợt điều trị hóa chất, bác sĩ sẽ thăm khám và cho bệnh nhân làm xét nghiệm máu. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bệnh nhân nên liên hệ sớm với bác sĩ điều trị.