Bệnh nhân ung thư phổi cần lưu ý điều gì sau khi kết thúc điều trị?
(Dân trí) - Ung thư phổi là một trong những ung thư gặp nhiều thách thức để chẩn đoán sớm. Đến nay chưa có phương pháp sàng lọc nào mang lại độ nhạy cao. Chụp X-quang đơn thuần không phát hiện được u nhỏ.
Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K, Việt Nam nằm ở Đông Á là một trong 3 khu vực có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao nhất thế giới cùng với Bắc Mỹ và châu Âu. Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có gần 2,1 triệu người mắc ung thư phổi, trong đó có tới 1,8 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 23.000 người mắc mới ung thư phổi nhưng có tới 88% tử vong, tương đương gần 21.000 người.
Tại Việt Nam, có tới 80-90% số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4. Lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hóa chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.
Tùy theo giai đoạn bệnh, thể trạng của bệnh nhân…, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị bổ trợ. Trong đó phẫu thuật loại bỏ khối u có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân cần có thể trạng tốt để phẫu thuật. Có khoảng 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.
Sau khi kết thúc điều trị ung thư, bệnh nhân sẽ phải đến khám 3 tháng/lần trong hai năm đầu, 6 tháng/lần trong những năm kế tiếp để kiểm tra xem bệnh có quay trở lại hay không. Các xét nghiệm bao gồm khám lâm sàng, chụp x quang ngực, cắt lớp vi tính lồng ngực, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu.
Người bệnh nên xem xét kỹ các dấu hiệu của bệnh. Nếu người bệnh có các triệu chứng đó, có thể bệnh đã quay trở lại, hãy đến khám lại sớm nhất có thể.
Tùy theo vị trí và kích thước của khối u mà triệu chứng sớm của bệnh ung thư phổi khác nhau tùy mỗi người.
- Ho kéo dài không rõ nguyên nhân
- Ho ra máu
- Đau ngực
- Khó thở
- Gày yếu, sút cân
Ở giai đoạn sớm bệnh phát triển âm thầm, triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng.