1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Trung ương Huế:

Bệnh nhân tử vong khi mổ dạ dày: Tắc trách hay tận tình?

(Dân trí) - Sau khi người nhà gửi đơn đến Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phản ánh việc bệnh viện tắc trách, khiến bệnh nhân tử vong, phía bệnh viện khẳng định đã tận tình, chu đáo, các diễn biến được theo dõi sát.

Bệnh viện sửa hồ sơ?

Theo phản ánh của người nhà, bệnh nhân Nguyễn Thị Huê (SN 1935, trú tại thôn 6B, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bị tử vong sau khi mổ dạ dày lần 2 vào ngày 29/3 là do sự tắc trách trước những bất thường sau mổ lần 1. Đặc biệt, khi nhận hồ sơ bệnh án của người thân ngày 15/4, gia đình rất bức xúc khi thấy hồ sơ bị chỉnh sửa, xuất hiện thêm bệnh viêm phổi, suy tim và ung thư dạ dày. Trong đó, giấy chuyển tuyến của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị gửi Bệnh viện Trung ương Huế chỉ ghi chẩn đoán “bị loét dạ dày nặng”, giờ lại được đổi thành “u ác của dạ dày”.

Đặc biệt, khi người nhà tỏ ra bất bình và không đồng tình với thái độ làm việc của bác sỹ cũng như kết luận trong bệnh án thì còn nhận được lời thách thức “gia đình thích thì cứ đi kiện”.

Gia đình đã gửi đơn đến Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có Công văn gửi giám đốc bệnh viện Trung ương Huế đề nghị xác minh thông tin và gửi về Cục trước ngày 31/5.

Đã giải thích với bệnh nhân về nguy cơ biến chứng

Sau khi có công văn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hôm nay (26/5), PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng cho biết Bệnh viện Trung ương Huế đã thành lập Hội đồng chuyên môn, tiến hành họp và báo cáo kết quả như sau:

Thời gian bệnh nhân vào viện là 11h ngày 24/2 với lý do: Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị chuyển với chẩn đoán "U ác của dạ dày, đủ điều kiện chuyển tuyến”, tình trạng người bệnh lúc chuyển: bệnh nặng chuyển Huế.

Khai thác tiền sử bệnh nhân: bệnh nhân khai có 2 lần mổ (không nhớ thời điểm mổ, có vết mổ cũ trên thành bụng) với lần 1: khâu lỗ thủng dạ dày, lần 2: nối vị tràng.

Bệnh nhân nhập viện tại Khoa Ngoại Tiêu hóa, được làm các xét nghiệm chính với kết quả: Nội soi dạ dày ngày 2/3 cho thấy loét thâm nhiễm, nhiễm cứng bờ cong nhỏ; Nội soi siêu âm ngày 2/3 bị u dạ dày (T3N2Mx). Ngày 3/3 bệnh nhân được hội chẩn toàn khoa Ngoại Tiêu hóa với chẩn đoán: K dạ dày, được chỉ định mổ ngày 7/3.

Giấy chuyển tuyến của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị
Giấy chuyển tuyến của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị

Theo đó, trước khi mổ, các bác sỹ của Khoa Ngoại Tiêu hóa cùng kíp mổ tư vấn cho gia đình biết rõ: Ung thư dạ dày là một bệnh lý hết sức nguy hiểm ở đường tiêu hóa, là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong trong các bệnh ung thư, tiên lượng sống sau mổ không cao nếu không được phẫu thuật sớm, bệnh nhân trên lâm sàng ở giai đoạn III (T3N2Mx) là khá muộn, cần phải phẫu thuật cắt dạ dày.

Đây là một phẫu thuật khó khăn, phức tạp vì là ung thư dạ dày trên bệnh nhân đã được mổ bụng 2 lần. Theo thống kê của các nước trên thế giới, tỷ lệ biến chứng chung rò miệng nối sau mổ từ 2-3% với các trường hợp mổ lần đầu. Trường hợp bệnh nhân này đã có tiền sử mổ 2 lần, lớn tuổi (83 tuổi) do đó khi phẫu thuật lần 3, phẫu thuật viên phải phẫu tích bóc dính, vì vậy tỷ lệ rò miệng nối sau mổ sẽ cao hơn nhiều lần.

Gia đình đã đồng ý ký vào Giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật và gây mê (ngày 2/3 con gái của bệnh nhân là bà Lê Thị Ngọc Huệ ký, ngày 6/3 con trai của bệnh nhân là Lê Đức Trợ ký, có bản photo kèm theo).

Bệnh nhân được chăm sóc chu đáo sau mổ cho tới khi tử vong?

Theo báo cáo của bệnh viện, cuộc mổ kéo dài gần 4 tiếng (từ 8h50’ đến 12h30’) với diễn tiến bình thường Sau mổ 3 ngày đầu bệnh nhân tạm ổn, ăn uống được.

Khi xuất hiện các triệu chứng sốt 39 độ C, chân dẫn lưu ra ít dịch màu nâu đậm, xét nghiệm CRP tăng lên đến 343,3 mg/L kèm theo các triệu chứng viêm phổi, siêu âm có ít dịch giữa các quai ruột vào ngày thứ tư (10/3), bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị viêm phổi theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và tạm ổn định.

Đến ngày 24/3, bệnh nhân có dấu hiệu viêm phúc mạc và được các bác sỹ Khoa Ngoại Tiêu hóa hội chẩn với chẩn đoán: "Dò tiêu hóa/ cắt dạ dày do ung thư", tiên lượng bệnh rất nặng có chỉ định mổ cấp cứu giải quyết nguyên nhân.

Các bác sỹ đã tư vấn, giải thích cho gia đình rõ tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và gia đình đã đồng ý ký Giấy cam đoan phẫu thuật, thủ thuật và gây mê (do con trai bệnh nhân là ông Lê Đức Trợ ký, có bản photo kèm theo).

Cuộc mổ bắt đầu lúc 12h ngày 24/3, kíp mổ đã tiến hành súc rửa ổ bụng và dẫn lưu ra da. Sau mổ các ngày tiếp theo tình trạng bênh nhân không cải thiện, đến 12h ngày 29/3 diễn biến bệnh nhân nặng dần, gia đình xin đưa về (đơn xin đưa bệnh nhân về do con trai bệnh nhân là ông Lê Đức Trợ ký). Sau đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Huê đã qua đời vào hơn 15h chiều cùng ngày.

Bệnh viện Trung ương Huế
Bệnh viện Trung ương Huế

PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế trao đổi, bệnh nhân đã được chăm sóc tận tình chu đáo, các diễn biến được theo dõi sát. Bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên biến chứng nặng không mong muốn đã xảy ra, mặc dù các y, bác sỹ đã tận tình cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi và đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã ra Quảng Trị đến gia đình nạn nhân để thăm hỏi, chia buồn và chia sẻ với nỗi đau của người nhà.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm