1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân sốt xuất huyết sôi sục vì bị từ chối truyền tiểu cầu

Hồng Hải

(Dân trí) - PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, ngày nào ông cũng nhận được nhiều cuộc gọi "cầu cứu", bệnh nhân sốt xuất huyết xin nhập viện, xin truyền tiểu cầu.

Theo dõi cả giảm tiểu cầu, cô đặc máu

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, chỉ trong tuần qua đã có hơn 2.000 ca sốt xuất huyết mới được ghi nhận.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận hơn 23.000 ca mắc, 4 ca tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội luôn kín bệnh nhân sốt xuất huyết. 

Bệnh nhân sốt xuất huyết sôi sục vì bị từ chối truyền tiểu cầu - 1

Bệnh nhân sốt xuất huyết ngày thứ 7, tiểu cầu ở mức 8 G/L vẫn được cho ra viện (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Trung tâm cũng liên tục tiếp nhận các ca sốt xuất huyết phải nhập viện theo dõi. Số bệnh nhân khám ngoại trú, theo dõi tái khám cũng tăng cao.

"Đặc biệt, những ngày gần đây rất nhiều bệnh nhân, người quen, đồng nghiệp của tôi mắc sốt xuất huyết Dengue gọi điện cho tôi "cầu cứu" để xin nhập viện vì lo sợ tiểu cầu tụt thấp, hoặc đề nghị cho truyền tiểu cầu", PGS Cường thông tin.

Đây cũng là thực trạng của rất nhiều người mắc sốt xuất huyết khi tiểu cầu hạ xuống, không chỉ bản thân người bệnh mà người nhà cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì sợ nguy cơ chảy máu.

"Bệnh nhân nằm viện, hầu như ai gặp bác sĩ cũng hỏi có được truyền tiểu cầu không, vì tiểu cầu xuống thấp", PGS Cường nói thêm.

Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định, với sốt xuất huyết, không sợ xuất huyết (tiểu cầu thấp), mà chỉ sợ cô đặc máu (Hematocrit cao).

PGS Cường giải thích: "Trong công thức máu, chỉ số Hematocrit (Hct) mới là quan trọng để phản ánh mức độ cô đặc máu. Nếu Hct tăng thì có nguy cơ thoát huyết tương, cô đặc máu có thể dẫn đến sốc giảm thể tích.

Nếu qua ngày thứ 5-6 mà không có cô đặc máu, không chảy máu, thể trạng tỉnh táo thì dù tiểu cầu thấp thế nào cũng không cần phải truyền tiểu cầu và nên cho xuất viện, theo dõi tại nhà, tránh quá tải bệnh viện và giảm áp lực cho các Trung tâm huyết học".

Bệnh nhân sốt xuất huyết sôi sục vì bị từ chối truyền tiểu cầu - 2

Nam bệnh nhân được ra viện sáng 3/11, dù tiểu cầu chỉ ở ngưỡng 8 G/L (Ảnh: M.T).

Không phải ai cũng cần truyền tiểu cầu

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiều người bị sốt xuất huyết, khi tiểu cầu xuống thấp rất sốt ruột, "xin" bác sĩ cho truyền tiểu cầu, thậm chí phàn nàn, lo lắng khi chưa có chỉ định truyền.

Có nhiều trường hợp, không chỉ bệnh nhân mà 5-6 người nhà, khi nghe "báo cáo" tiểu cầu xuống thấp là cuống cuồng gọi khắp nơi xin tư vấn, xin bác sĩ cho bệnh nhân truyền tiểu cầu.

"Nhiều bệnh nhân tiểu cầu sụt xuống là lo lắng, bồn chồn, sợ xuất huyết, xin truyền tiểu cầu, dù bác sĩ đã giải thích, nếu chưa có dấu hiệu chảy máu thì có thể chưa cần truyền tiểu cầu", BS Cấp nói.

"Tôi có cậu em nằm viện vì sốt xuất huyết, gọi điện báo tiểu cầu xuống 8 G/L. Vừa kịp trao đổi với bác sĩ về nguy cơ, nghe bác sĩ giải thích thì nhận điện thoại liên tục của bố mẹ, anh chị, rồi cả cậu em, làm sao để "xin" bác sĩ truyền tiểu cầu. 

Khi giải thích lại lời bác sĩ, người bệnh còn "giận" vì nghĩ chị không quan tâm em", chị H.H. (Ô Chợ Dừa chia sẻ).

Trong thực tế, các bệnh nhân sốt xuất huyết luôn được theo dõi chặt chỉ số tiểu cầu và chỉ số Hct.

"Nếu vẫn xu hướng giảm xuống tiếp, ví dụ sáng 17 G.L, chiều 12 G/L, bệnh nhân mới ở chiều đi xuống của pha nặng thì bác sĩ có thể cân nhắc, theo dõi, chỉ định truyền sớm ở người bệnh có nguy cơ, phòng khi đêm tiểu cầu hạ còn 3-4 G/L.

Ngược lại, nếu người bệnh đang ở chiều lên, sáng 9 G/L, chiều 12 G/L thì không cần truyền vì yên tâm đêm sẽ lên, sáng sau sẽ tiếp. Vì thế, quyết định truyền lúc nào sớm hay muộn, có truyền hay không (dù tiểu cầu xuống thấp) phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân", BS Cấp nói.

Trong phác đồ của Bộ Y tế, với người sốt xuất huyết tiểu cầu tụt xuống dưới 5 G/L mà chưa có dấu hiệu chảy máu thì cân nhắc truyền dự phòng, theo chỉ định của thầy thuốc, trên lâm sàng của từng bệnh nhân.

Trên thực tế bệnh nhân điều trị, nhiều trường hợp tiểu cầu xuống ngưỡng thấp, nhưng không có dấu hiệu chảy máu, theo dõi chặt, không cần truyền tiểu cầu, sau khi hết xu hướng xuống, tiểu cầu sẽ tăng dần.

"Với bệnh nhân sốt xuất huyết, theo khuyến cáo tiểu cầu dưới 50 G/L nếu đang điều trị tại nhà thì nên vào viện để theo dõi. Bệnh nhân truyền tiểu cầu phải theo chỉ định của bác sĩ, không phải theo mong muốn của cá nhân người bệnh cứ thấy tiểu cầu hạ là lo lắng muốn truyền ngay", PGS Cường khuyến cáo.