Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được cấy tụy nhân tạo
(Dân trí) - Một bé trai 4 tuổi ở Australia đã trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được cấy tụy nhân tạo để điều trị bệnh tiểu đường týp 1.
Cậu bé Xavier Hames đã trở thành bệnh nhân đầu tiên sau các thử nghiệm lâm sàng được sử dụng thiết bị mới, trông giống như một máy nghe nhạc mp3 và được gắn vào cơ thể với những đường ống đặt dưới da.
Hệ thống bơm insulin này là biện pháp để thay thế việc phải theo dõi chặt chẽ và tiêm insulin hằng ngày để kiểm soát bệnh tiểu đường týp 1- căn bệnh xảy ra khi tuyến tụy không sản sinh được insulin, một hoóc môn điều hòa đường huyết.
"Công nghệ mô phỏng chức năng sinh học của tuyến tụy dự báo lượng đường huyết tụt giảm và ngừng bơm insulin," thông báo của Sở Y tế Tây Australia cho biết.
"Công nghệ này giúp tránh được những hậu quả xấu của hạ đường huyết như hôn mê, co giật và thậm chí tử vong." Chưa rõ thủ thuật đã được tiến hành vào thời gian nào.
Quỹ nghiên cứu bệnh tiểu đường thanh thiếu niên (JDRF), một tổ chức phi lợi nhuận tài trợ cho nghiên cứu, cho biết công nghệ sẽ theo dõi đường huyết và ngừng bơm insulin tới 30 phút trước khi cơn hạ đường huyết dự đoán sẽ xảy ra. Điều này đi đôi với việc bơm sẽ tự động đưa insulin trở lại khi đường huyết phục hồi là một đột phá y học thực sự.
Các cơn hạ đường huyết chủ yếu xảy ra vào ban đêm khi bệnh nhân không thể phản ứng hoặc nhận ra mối nguy hiểm.
Mẹ bé Hames cho biết thiết bị đã cải thiện cuộc sống của con trai, vốn đã bị bệnh từ khi được 22 tháng tuổi. “Việc cấy thiết bị này giúp chúng tôi yên tâm là Xavier luôn an toàn cả ban đêm và ban ngày.
“Thiết bị không thấm nước nên con trai tôi có thể tham gia các môn thể thao và hoạt động dưới nước như bạn bè và gia đình”.
Thiết bị đã được triển khai sau 5 năm thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Nhi đồng Công chúa Margaret và một số bệnh viện khác ở Australia. Thiết bị có giá khoảng 10.000 đô la Australia (hơn 170 triệu đồng Việt Nam).
Cẩm Tú
Theo Channelnewsasia