Bệnh khó nói khi gần chồng
Tại sao gần đây, vợ tôi lại tránh gần chồng mỗi khi tôi “yêu cầu”, mặc dù cô ấy vốn rất ngoan hiền, yêu và chăm sóc tôi, không biết có phải do tôi không biết làm mới mình hay chính cô ấy cảm thấy chán chuyện chăn gối?
Đó không chỉ là câu hỏi mà các đức ông chồng thường đặt ra với các chuyên gia. Trong khi các ông chồng đặt ra những câu hỏi ấy thì các bà vợ lại đang lúng túng, lo âu và âm thầm tìm tới các bác sĩ sản phụ khoa để chữa trị. Bởi rất đơn giản, họ đang mắc những căn bệnh phụ nữ rất khó nói và nếu cứ chiều chồng thì chính các ông cũng sẽ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bệnh lây qua đường tình dục hay được gọi là bệnh hoa liễu hiện có tới 24 bệnh, chúng tôi chỉ giới thiệu một số bệnh phụ nữ hay gặp và dễ mắc nhất hiện nay.
Nấm âm đạo
Nấm âm đạo gây ra bởi loại nấm có tên candida, môi trường lý tưởng cho nấm candida phát triển là những chỗ ẩm ướt như miệng, ruột, âm đạo, dưới da bao quy đầu...
Nấm candida âm đạo làm ngứa, đau gây cảm giác khó chịu cho phụ nữ, hơn nữa sự tái đi tái lại bệnh khiến họ cảm thấy chán nản kéo theo cảm giác hứng thú về tình dục giảm.
Triệu chứng điển hình của bệnh này là ngứa âm hộ và vùng xung quanh âm đạo. Khí hư có màu trắng đục, có mùi hôi; âm đạo sưng đỏ; đau khi quan hệ tình dục; đi tiểu có cảm giác buốt.
Phụ nữ mang thai, thời kỳ trước và sau khi hành kinh dễ bị nấm tấn công hơn, ngoài ra những người bị tiểu đường, hệ thống miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh.
Để hạn chế bệnh và lây sang chồng, chị em cần lưu ý: Sau khi đi vệ sinh nên lau hay rửa sạch vùng kín; nên chọn quần lót thoáng, có nhiều chất cotton; khi quan hệ tình dục xong phải vệ sinh sạch sẽ, lau khô vùng âm đạo.
Bệnh Chlamydia
Chlamydia là một loại vi sinh vật trung gian giữa vi khuẩn và vi rút. Sở dĩ có hiện tượng này bởi hệ thống gen di truyền của Chlamydia có thể xếp vào nhóm vi rút, cũng có thể xếp vào nhóm vi khuẩn.
Chlamydia cư trú và gây bệnh tại cơ quan sinh dục cả nam lẫn nữ.
Triệu chứng của bệnh mờ nhạt: ngứa vùng kín, đi tiểu có cảm giác buốt vì thế người bệnh chủ quan, dễ bỏ qua.
Bệnh Chlamydia dễ để lại những hậu quả xấu nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời: bệnh có thể lan vào cơ quan sinh sản trên như tử cung, vòi fallope và buồng trứng. Nó có thể gây viêm tiểu khung, để lại sẹo ở vòi fallope mà hậu quả là vô sinh. Phụ nữ đang mang thai nếu nhiễm Chlamydia ở đường sinh dục có thể làm lây bệnh cho con trong khi sinh, gây viêm kết mạc hoặc viêm phổi.
Bệnh mụn rộp
Mụn rộp sinh dục chính là bệnh nhiễm khuẩn ở bộ phận sinh dục được gây ra bởi vi rút Herpes. Chúng có thể gây bệnh ở nhiều nơi trên cơ thể như da, niêm mạc, hệ thần kinh trung ương, nội tạng.
Thời gian ủ bệnh thường là một tuần với các triệu chứng đau đầu, mỏi cơ toàn thân, ngứa vùng kín, đi tiểu khó, tiết dịch âm đạo, các mụn nước xuất hiện và nổi lên ở bộ phận sinh dục ngoài, lan rộng, sau vài ngày tự vỡ chảy nước vàng và để lại vết loét trợt nông, nền đỏ, đau, ngứa. Các vết loét này đóng vảy sau vài ngày đến vài tuần, không để lại sẹo, dễ tái phát.
Nếu không được điều trị dứt điểm, phụ nữ dễ bị các biến chứng do Herpes gây nên như viêm cổ tử cung, viêm phần phụ... vì mụn rộp rất dễ tái phát, chưa có thuốc điều trị dứt điểm, lại lây truyền qua đường tình dục nên cách phòng tránh tốt nhất là phải có lối sống tình dục an toàn, lành mạnh.
Bệnh rận lông mu
Đây là loại ký sinh trùng rất nhỏ có màu vàng hung, sống trên da vùng có lông, tóc, hút máu để sống và chúng gây ra ngứa nhiều.
Rận lông mu bám sát vào chân lông mu, gây ngứa nhiều ở vùng xương mu và bộ phận sinh dục, thường lây nhiễm qua quan hệ tình dục với người có rận.
Rận đẻ trứng rất nhanh, có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc như quan hệ tình dục, ngủ chung giường, mặc chung quần áo, dùng chung khăn tắm.
Khi có nghi ngờ đã quan hệ tình dục với người có rận lông mu, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán đúng bệnh, sử dụng đúng thuốc và điều trị bệnh tận gốc. Không nên tự ý dùng thuốc hay cạo bỏ lông vùng kín sẽ không khỏi bệnh mà còn làm mất thẩm mỹ.
Theo TS. Trần Khánh Toàn
Sức khoẻ & Đời sống