Bệnh đau nửa đầu
(Dân trí) Trong các chứng nhức đầu do nguyên nhân mạch máu, thể nhức nửa đầu (Migraine) là phổ biến nhất. Tỷ lệ dân số mắc bệnh Migraine trên thế giới là 24%, còn ở Việt Nam, cũng có khá nhiều người bị bệnh nhưng chưa có một thống kê đầy đủ và phần lớn chưa có nhận thức đúng về bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh
Migraine thường xuất hiện do một số yếu tố khởi phát như: các trạng thái thần kinh căng thẳng, âu lo, buồn phiền. Bệnh xảy ra nhiều ở phụ nữ vì liên quan đến vấn đề rối loạn nội tiết (đau nửa đầu khi gần đến ngày hành kinh hoặc sau khi dùng thuốc ngừa thai).
Bệnh có mang yếu tố di truyền: Trong gia đình, nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh thì nguy cơ con, cháu bị bệnh cũng rất cao. Bệnh hay gặp ở tuổi dậy thì và tiền mãn kinh, nhưng lại hiếm thấy trong lúc đang mang thai hoặc đã mãn kinh hẳn.
Biểu hiện của bệnh
Bệnh thường xuất hiện thành những cơn đau kéo dài hoặc những cơn kịch phát với tần số, cường độ, khoảng thời gian đau khác nhau ở mỗi người. Thường người bệnh chỉ bị đau ở một nửa đầu, có tính chất chu kỳ với các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng: đau giật giật theo nhịp mạch đập, đau vừa phải hoặc đau dữ dội, đặc biệt ở vùng hốc mắt.
Trong cơn đau, sắc mặt người bệnh xanh tái, da lạnh, buồn nôn hay nôn mửa, hay cáu gắt, khó tập trung. Cơn đau tăng lên khi gắng sức, khi tiếp xúc với ánh sáng, tiếng động mạnh. Cũng có khi, người mắc bệnh bị đau cả hai bên đầu.
Một số trường hợp (khoảng 10%), trước khi cơn đau xảy ra có thể có một vài triệu chứng báo trước như: Thị lực giảm, thấy những tia chớp sáng trước mắt, thậm chí không nhìn thấy gì trong vài giây đến ít phút (mù tạm thời); bị rối loạn ngôn ngữ , khó nói hoặc không nói được, không hiểu lời người khác; có hiện tượng rối loạn tiêu hoá, những cơn toát mồ hôi hoặc rối loạn mạch.
Người mắc bệnh cần làm gì?
Nên ghi nhật kí những cơn đau, từ số lần lặp lại cơn đau trong ngày, tuần... đến cường độ, triệu chứng, các yếu tố gây kích thích dẫn đến cơn đau, những loại thuốc hay dùng. Khi đến khám ở chuyên khoa thần kinh, tất cả những thông tin này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Khi đi khám, người bệnh cũng cần được làm một số xét nghiệm như điện não đồ, chụp X quang sọ giúp loại trừ một số bệnh có điểm giống migraine như động kinh, u não. Phải dùng thuốc đúng theo chỉ định vì các thuốc điều trị migraine đều thuộc loại nguy hiểm và hay có tác dụng phụ.
Ngoài ra, người bệnh cần kiêng rượu, bia, thuốc lá, tránh bị kích thích, xúc động mạnh, căng thẳng thần kinh. Đảm bảo ngủ tối thiểu 7 tiếng/ngày.
Bệnh đau nửa đầu và thức ăn ngọt
Khi bị đau đầu migraine mà ăn đồ ngọt là một sai lầm. Người bị bệnh đau nửa đầu, đặc biệt trong cơn đau cần kiêng ăn đồ ngọt, nhất là sôcôla.
Bạn cũng cần kiêng các chất béo như phomat, tránh uống rượu bia, càphê, hút thuốc lá... Những chất này có thể làm cho cơn đau nửa đầu xuất hiện và với cường độ đau mạnh hơn.
Theo Kiều Nga - Hồng Hải