Bệnh cườm nước (Glôcôm) có di truyền?

Mẹ em hôm trước đi khám bệnh được phát hiện có cườm nước ở cả hai mắt mặc dù bề ngoài mắt mẹ em không có biểu hiện gì khác thường. Nhờ bác sĩ giải thích giúp về trường hợp bệnh của mẹ em.

Không biết liệu bệnh lý này có di truyền hay có cách nào phòng tránh không ạ? Cám ơn bác sĩ. Minh Châu (Quận 8, TPHCM)

 

 

Bệnh cườm nước (Glôcôm) có di truyền? - 1

 

BS. Phạm Ngọc Đan Thanh trả lời:

Chào em,

Cườm nước trong y khoa còn có tên gọi là bệnh Glôcôm. Đôi khi mọi người vẫn hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm “cườm nước” và “cườm khô”. Cườm khô là tình trạng thủy tinh thể (phần nhân mắt bên trong) bị đục, đa phần do tuổi tác nên ai rồi cũng sẽ gặp. Trong khi đó, cườm nước lại là một bệnh lý liên quan đến áp lực dịch nội nhãn, gây ảnh hưởng lên lớp sợi thần kinh thị giác phía sau đáy mắt.

Glôcôm có hai thể, một thể cấp tính với triệu chứng biểu hiện rầm rộ như mắt đỏ, nhìn mờ, thấy nguồn sáng tỏa quầng xanh đỏ, mắt đau nhức, thậm chí có thể gây buồn nôn và nôn; vì thế nó dễ được phát hiện và điều trị sớm hơn. Thể còn lại thường diễn tiến âm thầm mạn tính, không tạo bất kì triệu chứng gì hoặc các triệu chứng chỉ thoáng qua nên người bệnh thường khó nhận ra cho đến lúc được phát hiện tình cờ khi đi khám mắt, như trường hợp của mẹ em, hoặc khi bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn nặng.

Tổn thương trong bệnh này có đặc điểm sẽ tiến triển khá chậm, gây thu hẹp dần vùng nhìn từ ngoài vào trong trong khi thị lực trung tâm vẫn còn duy trì tốt. Ở giai đoạn muộn, người bệnh chỉ còn có thể nhìn mọi vật như qua một chiếc ống nhỏ và sức nhìn cũng trở nên kém đi. Việc điều trị thông thường sẽ bắt đầu với thuốc nhỏ mắt giúp hạ nhãn áp. Nếu các loại thuốc nhỏ vẫn chưa kiểm soát tốt được bệnh lý, mắt sẽ được can thiệp nhiều hơn bằng phương pháp chiếu tia laser hoặc phẫu thuật.

Glôcôm là một bệnh không thể phòng tránh và có thể xảy ra với bất kì ai. Nếu bệnh càng được phát hiện sớm và kiểm soát tốt thì tiên lượng càng khả quan. Do đó, việc khám mắt định kỳ là rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người đã có yếu tố nguy cơ như em (có người cùng huyết thống bị bệnh Glôcôm). Ngoài ra, những người trên 40 tuổi, mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc tăng huyết áp, có nhãn áp cao, tiền căn từng bị chấn thương mắt, hoặc có dùng thuốc chứa hoạt chất steroid kéo dài cũng cần được khám tầm soát về bệnh lý này. Quy trình tầm soát sẽ bao gồm đo nhãn áp, kiểm tra góc mắt, soi đáy mắt và chụp cắt lớp phần đầu của thần kinh thị giác phía sau hoặc đo thêm thị trường (kiểm tra sự tổn thương vùng nhìn) khi cần thiết.

Hi vọng những thông tin trên giúp em hiểu thêm về bệnh của mẹ cũng như lưu ý tầm soát sớm bệnh lý này cho chính mình và những người thân còn lại trong gia đình.

BS. Phạm Ngọc Đan Thanh

Phòng khám Mắt HYEC

31 A Nguyễn Đình Chiểu, Q.1 TPHCM

Độc giả có thể trực tiếp đặt câu hỏi các bệnh về mắt và các phương pháp điều trị với BS. Đan Thanh qua email info@haiyeneyecenter.com tại www.phongkhammathaiyen.com và theo số điện thoại 1800757576, 0913 666 665 và 08 66861396.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm