Bệnh cúm B gia tăng

Trong những tháng vừa qua tại miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội và Thái Bình xuất hiện nhiều người bị nhiễm virus cúm týp B.

Điều này khác so với mọi năm vì hiện nay cúm do virus týp A (H3N2, H1N1) là loại gây bệnh phổ biến tại Việt Nam và thế giới.

 

Ngày 12/7, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: Theo điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong những năm qua khoảng 2% dân số Việt Nam bị mắc cúm. Tuy nhiên con số thực tế sẽ lớn hơn nhiều, vì có quá nhiều người bị cúm nhưng không đi khám tại cơ sở y tế mà tự điều trị tại nhà.

 

Thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xét nghiệm nhiều bệnh phẩm và cho kết quả dương tính với virus cúm B, một týp virus cúm gây ra cảm cúm thông thường, nhưng sẽ là nguy hiểm đối với người có bệnh mạn tính, người già, trẻ em bị suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

 

Virus cúm B là một týp của virus cúm, có khả năng gây ra bệnh cúm ở người. Tuy nhiên, khác virus cúm A virus cúm ít biến đổi cấu trúc kháng nguyên, chỉ có thể gây ra các bệnh cúm tản phát, cúm thông thường, diễn biến nhẹ, có thể gây ra các vụ dịch do bản thân nó hoặc kết hợp với các virus gây viêm đường hô hấp khác.

 

Đây là một virus lành tính, bệnh lây qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày và diễn biến bệnh từ 3-5 ngày. Đối tượng nhiễm bệnh là tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mạn tính khác.

 

Khi xâm nhập vào cơ thể, virus cúm B gây ra các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột), viêm long đường hô hấp trên, ho, sưng đau họng, hiếm khi xuất hiện các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản. Nếu có những biểu hiện này có thể do biến chứng hoặc kết hợp với các virus khác gây nên.

 

Bệnh cúm B là bệnh tự khỏi, thường không cần điều trị. Sau khi mắc bệnh, thời gian miễn dịch ngắn, chỉ một vài năm, bệnh nhân có thể nhiễm bệnh trở lại. Bệnh do virus nên không có kháng sinh dự phòng.

 

Bệnh cúm rất được các nước trên thế giới quan tâm. Nhưng tại Việt Nam vẫn chưa có chương trình điều tra nghiên cứu nào cụ thể về căn bệnh rất dễ mắc này. Chính bởi vậy cho đến nay, việc phân lập bệnh nhân nhiễm virus cúm týp A, týp B hay týp C vẫn chưa được thực hiện tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó người dân không coi đây là bệnh nguy hiểm nên không có ý thức phòng bệnh cho bn thân và tránh lây bệnh sang cộng đồng. Cúm là bệnh viêm đường hô hấp nên làm giảm sức để kháng trẻ em và người già dẫn tới nhiều bệnh khác. Hậu quả nặng nhất của bệnh cúm là viêm phổi có thể dẫn tới tử vong.

 

Năm 2006, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW đã triển khai 8 điểm giám sát bệnh cúm tại 5 tỉnh, thành phố Thái Bình, Hà Nội, Đắc Lắc, Khánh Hoà, TP.HCM. Trong năm 2007, chương trình này dự kiến sẽ mở rộng sang các địa phương khác như Lạng Sơn, Huế, Hoà Bình...

 

Hiện nay, cách phòng bệnh cúm tốt nhất là tiêm vaccine. TS Hiển cho hay, vaccine phòng cúm hiện đang lưu hành tại Việt Nam có hiệu qu từ 80-90%. Trong tương lai, vaccine phòng cúm sẽ được cân nhắc đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng vì trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

 

Tháng 9 tới một cuộc hội thảo quốc tế sẽ được tổ chức nhằm phân lập virus cúm để qua đó sản xuất vaccine phòng bệnh cúm cho năm 2007.

 

Theo Thu Linh

Vietnamnet