1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé trai suy đa tạng, cận kề cửa tử vì mắc thủy đậu

Hồng Hải

(Dân trí) - Từ những nốt ban mụn nước, phỏng rộp trên da, bé trai 12 tuổi dần diễn biến nguy kịch, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, nhiều lần cận kề cửa tử.

TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết vào đầu tháng 2/2024, bé V.T (12 tuổi, Điện Biên) đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao liên tục, nổi nốt phỏng và nốt xuất huyết dưới da toàn thân do mắc bệnh thủy đậu.

Bé trai suy đa tạng, cận kề cửa tử vì mắc thủy đậu - 1

Các tổn thương thủy đậu điển hình (Ảnh minh họa: TA).

TS Nam cho biết, với một ca bệnh thủy đậu nặng nề, các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định sử dụng loại thuốc kháng virus, thuốc Gama globulin (chỉ sử dụng trong trường hợp hội chẩn đặc biệt) và hỗ trợ hô hấp cho trẻ.

Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn không đáp ứng thuốc, không cải thiện, và nhanh chóng diễn tiến nặng, rơi vào tình trạng suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, tổn thương não, xuất huyết dưới da, tiểu cầu giảm thấp (dưới mức 5.000/μL). Trẻ phải lọc máu, thở máy và nhiều lần cận kề cửa tử.

Nhiều lần bệnh viện đã tổ chức hội chẩn liên khoa, với sự chủ trì của TS.BS Phan Hữu Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất, cứu tính mạng bệnh nhi.

Sau khi hội chẩn, bệnh nhi tiếp tục được sử dụng thuốc điều trị giảm tiểu cầu, truyền máu, đồng thời dùng thuốc kháng virus thế hệ mới.

Sau hơn 3 tháng điều trị tích cực, tình trạng của trẻ dần cải thiện và hồi phục. Đầu tháng 5/2024, bệnh nhi được xuất viện về nhà.

Mới đây, mẹ bệnh nhi đã viết thư bày tỏ lòng biết ơn tới Ban lãnh đạo Bệnh viện cùng tập thể các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương và Phòng Công tác xã hội cùng các nhà hảo tâm đã đồng hành, sát cánh bên gia đình trong suốt hơn 3 tháng điều trị vừa qua tại bệnh viện.

TS Nam cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến ở trẻ em, thường có biểu hiện là các phát ban, mụn nước, phỏng rộp chứa đầy dịch mủ gây ngứa ngáy, khó chịu.

Thủy đậu vốn là bệnh lành tính, thường không gây các triệu chứng nặng nề. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thủy đậu có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm não, suy đa tạng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.

Vì thế, khi trẻ mắc thủy đậu cần theo dõi chặt, nếu trẻ xuất hiện các nốt phỏng nguy cơ nhiễm trùng, sốt cao... cần phải đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị sớm.