Bé trai bị rắn độc tấn công khi ra đồng thả diều

Vân Sơn

(Dân trí) - Trượt chân ngã vào bụi cỏ khi đang cùng mẹ thả diều, vui chơi trên cánh đồng, cậu bé 4 tuổi bị rắn độc cắn vào chân phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 22/3, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị rắn độc tấn công. Bệnh nhi là bé Q.V. (4 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chân trái bị bầm tím, đau nhức. 

Bé trai bị rắn độc tấn công khi ra đồng thả diều - 1

Bệnh nhi chỉ vị trí bị rắn lục cắn vào chân trái khi đi thả diều trên cánh đồng.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, buổi sáng trước khi nhập viện cậu bé theo mẹ ra đồng chơi thả diều. Mải mê quan sát con diều bay trên cao nên bé bị trượt chân té vào bụi cỏ. Sau khi té, bé hét lên "mẹ ơi… rắn cắn con". Người mẹ tá hỏa quan sát thì phát hiện một con rắn lục đang ẩn mình giữa đám cỏ xanh. Ngay lập tức bé được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. 

Thời điểm nhập viện bàn chân trái của bệnh nhi đã tím bầm, sưng nề, đau đớn. Sau khi thăm khám, xét nghiệm các bác sĩ đã cho bệnh nhi khẩn cấp dùng huyết thanh kháng độc tố rắn lục tre, theo dõi điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Nhờ được điều trị kịp thời, bệnh nhi đã vượt qua được tình trạng rối loạn đông máu, tránh được nguy cơ suy đa cơ quan. 

Bé trai bị rắn độc tấn công khi ra đồng thả diều - 2
Sau khi được chăm sóc, điều trị tích cực cậu bé đã vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe bình phục tốt.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, chú ý không để nạn nhân tự đi lại, bất động chi bị rắn cắn bằng nẹp. Không chích rạch tại vết thương, nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc… 

Không nên buộc garo quá chặt mà chỉ cần băng ép. Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.