Bé sơ sinh bị bỏ rơi vượt qua cơn nguy kịch do nhiễm trùng máu như thế nào?
(Dân trí) - “Có những lúc huyết áp của bé An xuống rất thấp, khiến việc giữ huyết áp của cháu, xử lý tình trạng thiếu máu não là vô cùng khó khăn” - Trưởng khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ.
Bé Nguyễn Văn An, bé sơ sinh bị bỏ rơi 41 giờ đồng hồ dưới hố ga, được người dân phát hiện và đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vào tối ngày 8/6 trong tình trạng kiệt sức, có nhiều vết thương trên cơ thể, đặc biệt trong các hốc tự nhiên như mắt, mũi, miệng của bé có rất nhiều dòi bọ (trước đó bé được sơ cứu tại Trạm Y tế xã Thanh Mỹ và Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây).
Sau khi được gắp hết các ấu trùng trên người, đồng thời điều trị theo hướng nhiễm khuẩn sơ sinh, sau 3 ngày bé Nguyễn Văn An đã có những tín hiệu tích cực về sức khỏe. Đáng chú ý là mắt và tai của bệnh nhi này chỉ bị tổn thương bên ngoài và đã dần ổn định.
Tuy nhiên, từ ngày 11/6 bé bất ngờ diễn biến xấu. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xác định nguyên nhân là do tình trạng nhiễm trùng máu nặng. Sang ngày 12/6, sức khỏe của bé An tiếp tục xấu đi, bé phải thở máy, kiểm soát huyết áp, cho dùng thuốc vận mạch và kháng sinh phổ rộng.
Bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Trong 3 ngày vừa qua, chúng tôi đã hết sức vất vả trong công tác điều trị cho bệnh nhi này. Có những lúc huyết áp của bé An xuống rất thấp, khiến việc đảm bảo giữ huyết áp của cháu, xử lý tình trạng thiếu máu não là vô cùng khó khăn”.
“Ngày 12/6 là lúc bé nguy kịch nhất, đã có thời điểm chúng tôi tưởng bé không qua khỏi” – Chuyên gia này chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, trong giai đoạn hiểm nghèo này, các y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bé An cũng đã phải liên tục hội chẩn với khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương để đưa ra phương án điều trị tốt nhất.
May mắn là đến thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn đang phải thở máy nhưng bệnh nhi này đã tạm thời cắt được tất cả thuốc vận mạch, các chỉ số nhiễm khuẩn trong máu có xu hướng giảm. “Mặc dù rất khó nói trước, nhưng việc bé cắt được thuốc vận mạch là điều khiến chúng tôi rất hy vọng rằng bé sẽ có xu hướng tốt lên” – BS Thái Bằng Giang nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng giải thích thêm về thuốc vận mạch: “Khi bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc, các chức năng của tim và hệ thống mạch không còn đảm bảo việc đẩy máu đi nuôi cơ thể. Lúc đó phải can thiệp bằng thuốc vận mạch, là những thuốc có tác dụng lên cơ tim, thành mạch máu để giúp quá trình vận chuyển máu đến các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não, thận, gan được tốt hơn”.
Dù có những tín hiệu tích cực nhưng theo BS Thái Bằng Giang, bé An vẫn đang trong tình trạng nặng, phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe, nhất là nguy cơ tái sốc, phải dùng lại thuốc vận mạch. Bên cạnh đó, bé An cũng đang bị suy thận nhẹ, nên nhìn chung là rất khó để tiên lượng trước: “Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục điều trị rất tích cực. Vì trẻ sơ sinh có diễn biến sức khỏe rất khó lường, nên để theo dõi sát tình trạng của bé An, từ đó có phương án điều trị kịp thời, chúng tôi luôn luôn có 2 bác sĩ trực tiếp chăm sóc bé và 2 điều dưỡng chuyên trách 24/24”.
Trưởng khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phân tích thêm rằng, nếu mọi chuyện tiến triển theo xu hướng tốt, thì trước hết bé An phải cai được máy thở xâm nhập và chuyển sang thở CPAP (Thở áp lực dương liên tục) hoặc thở oxy. Tiếp đó, phải đến khi tình trạng nhiễm khuẩn được ổn định, tình trạng thông khí tố thì mới có thể đánh giá là tiên lượng tốt.
“Bé vẫn đang còn thở máy, tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh vẫn rất nặng thì chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì cả và con đường phía trưởng còn rất dài” – BS Giang nhấn mạnh.
Minh Nhật