Bé gái đau ngực suốt 2 tháng sau khi được mẹ nhổ răng hàm

Vân Sơn

(Dân trí) - Sau khi được mẹ nhổ răng, bé gái bị ho sặc, tìm không thấy chiếc răng. Suốt 2 tháng qua, bé liên tục bị đau ngực, khó thở, tại bệnh viện bác sĩ phát hiện chiếc răng đang nằm trong phổi.

Ngày 10/3 Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố vừa tiếp nhận một trường hợp bị dị vật đường thở rất nguy hiểm. Bệnh nhi là bé gái N.T.D.M. (8 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) bị ho, khò khè, đau ngực suốt hai tháng qua nhưng đi nhiều phòng khám vẫn không tìm ra nguyên nhân. 

Bé gái đau ngực suốt 2 tháng sau khi được mẹ nhổ răng hàm - 1
Hình ảnh kiểm tra của bác sĩ cho thấy dị vật cản quang nằm trong đường hô hấp của bệnh nhi.

Gần đây, tình trạng bệnh ngày càng trở nặng, gia đình đưa bé tới bệnh viện tỉnh thăm khám. Kết quả chụp CT các bác sĩ phát hiện dị vật cản quang giống chiếc răng trong phổi bệnh nhi nên nhanh chóng chuyển bé tới Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. 

Khi bác sĩ khai thác bệnh sử, người mẹ bàng hoàng nhớ lại, khi chị nhổ chiếc răng hàm cho con tại nhà, bé đã có biểu hiện ho, sặc. Hai mẹ con cố gắng tìm chiếc răng nhưng không thấy. Những ngày sau đó tình trạng sức khỏe của bé vẫn bình thường nên người nhà yên tâm. Khi các dấu hiệu bất thường của trẻ xảy ra, gia đình đều không nghĩ tới tình huống bé bị ho sặc khi nhổ răng. 

Kết quả chụp X-quang kiểm tra, bác sĩ phát hiện có dị vật cản quang gây tắc gần hoàn toàn phế quản gốc phải, nguy cơ ứ khí viêm xẹp phổi, tràn khí màng phổi. Mặt khác, dị vật đã nằm quá lâu nên nguy cơ nhiễm trùng viêm phổi nặng ở mức cao. 

Bé gái đau ngực suốt 2 tháng sau khi được mẹ nhổ răng hàm - 2

Camera nội soi ghi nhận, chiếc răng hàm (3x5mm) đang cắm sâu vào thành phế quản bệnh nhi.

Ngay lập tức các bác sĩ khoa Hô hấp đã chỉ định nội soi gắp dị vật cho bệnh nhi. Đây là trường hợp dị vật lớn, cung răng có 2 đầu nhọn, sắc nên nguy cơ thủng, rách đường dẫn khí rất cao. Nếu không lấy được bằng nội soi sẽ phải phẫu thuật mở ngực lấy dị vật, có khả năng để lại di chứng nặng nề. Các bác sĩ đã kiểm tra tỉ mỉ và gắp chiếc răng hàm (3x5mm) đang cắm sâu vào thành phế quản ra ngoài thành công. Sau khi được lấy thành công chiếc răng, sức khỏe bệnh nhi đang dần ổn định. 

Từ trường hợp trên, Tiến sĩ - Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên, khoa Hô Hấp cảnh báo, tự nhổ răng sữa cho trẻ tại nhà còn khiến các bé đối mặt với nhiều nguy cơ trong đó hậu quả dễ thấy nhất là tình trạng răng lọt vào đường thở hoặc đường tiêu hóa. Mặt khác, khi người nhà tự nhổ khó có thể lấy hết toàn bộ răng hư nguy cơ khiến răng vĩnh viễn của bé bị chèn ép dẫn tới mọc lệch. 

Bé gái đau ngực suốt 2 tháng sau khi được mẹ nhổ răng hàm - 3
"Thủ phạm" khiến bệnh nhi đau ngực, khó thở suốt 2 tháng qua là do chiếc răng hàm rơi vào đường thở.

Bên cạnh đó, việc tự nhổ răng còn gây chảy máu tại vùng nhổ răng kéo dài. Khi không có các biện pháp vô trùng dụng cụ hay không vệ sinh tay sạch trước khi thao tác có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sau nhổ răng. Nếu bị đau khi nhổ còn dẫn tới việc trẻ sợ khám chữa các bệnh lý về răng sau này do tâm lý bị "ám ảnh". 

Ngoài ra, việc tự nhổ răng sữa tại nhà, bố mẹ có thể bỏ qua thời điểm vàng để can thiệp nắn chỉnh, sửa chữa những lệch lạc răng vĩnh viễn ở giai đoạn sớm cho trẻ. Để tránh rủi ro và hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến thẩm mỹ cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để được thăm khám, xử lý khi đến giai đoạn thay răng.