Bé gái bị u tế bào khổng lồ phá hủy xương hàm

Vân Sơn

(Dân trí) - Sau khi nhổ răng hàm, bệnh nhi bị chảy máu khó cầm, một bên má sưng lớn khiến sức khỏe sa sút. Cháu được chẩn đoán bị u tế bào khổng lồ hiếm gặp phá hủy xương hàm.

Thông tin từ BS Nhâm Bá Duy, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa phát hiện, can thiệp cho một trường hợp bị u xương ít gặp. Bệnh nhân là bé N.T.N.Y. (12 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng góc hàm phải sưng lớn, đau nhức. 

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người nhà ghi nhận, trước đó cháu được đưa đến cơ sở y tế để nhổ răng hàm bên phải. Sau nhổ răng, nhân viên y tế không thể cầm được máu cho bé. Tình trạng chảy máu ở vùng chân răng đã nhổ ngày càng nặng thêm, bé phải chuyển đến Bệnh viện Sóc Trăng cấp cứu. Các bác sĩ, đã thực hiện thủ thuật cầm máu thành công và cho bệnh nhi xuất viện. 

Bé gái bị u tế bào khổng lồ phá hủy xương hàm - 1

Tuy nhiên, khi về nhà gia đình thấy vùng mặt bên phải của bé bắt đầu bị sưng. Tình trạng ngày càng tăng tại vùng góc hàm phải của bệnh nhi, thời gian đầu bé không đau, vẫn nhai nuốt được thức ăn. Tuy nhiên, càng về sau, việc ăn uống của bé càng khó khăn do khối u to dần, sức khỏe sa sút. Lo lắng, gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương tái khám.

Qua nhiều lần khám ở các bệnh viện, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bệnh nhi được thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh cần thiết. Sau hội chẩn, bác sĩ nhận định bé có dị dạng mạch máu quanh xương hàm dưới bên phải. Các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để điều trị chích xơ hóa dị dạng.

Sau thời gian điều trị, nhận thấy bé có khả năng bị u bất thường cùng vị trí với dị dạng nên Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã trao đổi chuyên môn và chuyển bé trở về Bệnh viện Nhi Đồng 1 để xử trí. Tại đây các bác sĩ đã kiểm tra kỹ tình trạng của bệnh nhi và quyết định phẫu thuật nhằm giải quyết triệt để khối u, giữ được nét thẩm mỹ tối đa cho cơ thể.

Mặc dù có nhiều kinh nghiệm nhưng đội ngũ phẫu thuật và gây mê đã gặp nhiều khó khăn do tình trạng máu chảy liên tục từ khối u, khó cầm máu. Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành bộc lộ toàn bộ vùng u ở bệnh nhi thì phát hiện u đã huỷ rất nhiều xương hàm dưới. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ 1 phần xương hàm dưới rồi đặt nẹp tạo hình thay thế xương, cố định cấu trúc hàm và để hở khớp cắn.

Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển sang theo dõi tại khoa Hồi sức Ngoại, tình trạng chảy máu được kiểm soát. Sau 2 ngày thở máy, hiện bệnh nhi đã được rút ống thở, tự thở khí trời đã nhấp được nước, nuốt được.

Kết quả giải phẫu bệnh học cho thấy bé bị U tế bào khổng lồ (Giant cell tumor) kèm dị dạng động-tĩnh-bạch mạch. Chính u tế bào khổng lồ là nguyên nhân gây phá hủy nhanh và rộng xương hàm của bé.

U tế bào khổng lồ là một bệnh lý u xương lành tính ở người, chiếm khoảng 20% trong các bệnh lý u xương lành tính nói chung. Tuy nhiên có khoảng 5 đến 10% trường hợp diễn tiến thành u tế bào khổng lồ ác tính, di căn đến các cơ quan khác. Y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra u tế bào khổng lồ.