1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé gái bị đôi đũa đâm xuyên lưỡi vì ăn ở sân chơi bóng

(Dân trí) - Mang chén cơm ra sân, vừa ăn vừa xem đám trẻ trong xóm đá bóng, bé gái 9 tuổi đã bị va vào người khiến đôi đũa đâm xuyên lưỡi xuống sàn miệng. Bệnh nhi đã được phẫu thuật rút đũa và may mắn khi không bị xuyên trúng mạch máu.

Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp tai nạn rất hy hữu. Bệnh nhi là bé Trương Thị Ngọc A. (9 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) được chuyển đến bệnh viện tối 22/2 trong tình trạng một đôi đũa đang găm cứng trong vùng miệng, máu chảy rỉ rả.


Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đôi đũa xuyên rách lưỡi, găm chặt trong miệng

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đôi đũa xuyên rách lưỡi, găm chặt trong miệng

Qua khai thác thông tin từ gia đình ghi nhận, trước khi tai nạn xảy ra, bệnh nhi đang ăn cơm chiều. Cháu đã mang chén cơm ra sân vừa ngồi ăn vừa xem trẻ em hàng xóm đá bóng. Đang đưa đôi đũa lùa cơm vào miệng, cháu bất ngờ bị một “cầu thủ” trên sâu tranh bóng bị té, đè lên người. Sau va chạm cháu khóc thảm thiết, mọi người chạy đến thì bàng hoàng phát hiện đôi đũa đang bị găm chặt trong miệng.

Ngay lập tức, bệnh nhi được người nhà chuyển thẳng vào Nhi Đồng 1. Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định đôi đũa đã đâm xuyên lưỡi bệnh nhi xuống sàn miệng gần thấu da dưới cằm. Cháu đối mặt với nguy cơ bị đũa đâm xuyên thấu các mạch máu lớn, có thể dẫn tới xuất huyết ồ ạt hoặc gây tổn thương thần kinh dẫn tới méo miệng, ảnh hưởng đến chức năng phát âm, ăn uống sau này.

Để tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, ngay trong đêm, các bác sĩ đã tiến hành gây mê, can thiệp rút đũa thành công cho bệnh nhi.

“Cháu bé đã may mắn khi không bị đũa dâm xuyên thấu các động mạch vì đường đi của đôi đũa sát với bờ xương hàm. Sau khi rút thành công đôi đũa, chúng tôi tiến hành khâu lại vết thương, đặng ống thông nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt, cháu không bị sốt, không có dấu hiệu phù nề của nhiễm trùng, sẽ xuất viện trong vài ngày tới.” BS Thế Huy cho hay.

Đường đi của đầu đũa gần xuyên thấu da dưới cằm bệnh nhi
Đường đi của đầu đũa gần xuyên thấu da dưới cằm bệnh nhi

Theo thống kê sơ bộ tại bệnh viện Nhi Đồng 1, gần như tháng nào tại đây cũng tiếp nhận, can thiệp cho bệnh nhi bị đũa đâm xuyên miệng họng. Những trẻ gặp tai nạn bị dị vật đâm vào mọi vị trí miệng họng rất nguy hiểm như thủng khẩu cái, xuyên cuống họng, rách lưỡi, rách má… nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Một số trường hợp bị mất máu nhiều do người nhà vột vàng rút đũa trước khi đưa đến bệnh viện, gây nguy hiểm thêm cho tính mạng của trẻ.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị dị vật như đũa, dao hoặc những vật cứng khác đâm xuyên, người sơ cấp cứu cho nạn nhân cần bình tĩnh, tuyệt đối không vội vàng rút dị vật ra ngoài vì nguy cơ mất máu cấp do nạn nhân bị đâm thủng mạch máu có thể xảy ra. Cần giữ nguyên dị vật và đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được can thiệp kịp thời.

Qua trường hợp trên, bác sĩ đề nghị quý phụ huynh cần quan tâm chỉ bảo những kỹ năng cho trẻ tránh tai nạn nguy hiểm. Tuyệt đối không để trẻ vừa ăn, vừa ngậm đũa, muỗng; không vừa ăn, vừa chơi đùa hoặc dùng đũa làm đồ chơi.

Vân Sơn