Bé gái 6 tuổi tử vong sau khi ăn bánh su kem ở TPHCM chịu "2 lần nguy cơ"
(Dân trí) - Theo Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, những chiếc bánh su kem chỉ được bảo quản ở điều kiện hơn 20 độ C trước bữa tiệc. Riêng với bé gái 6 tuổi tử vong có hai lần nguy cơ dẫn đến ngộ độc.
Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề chuyến làm việc tại TP Cần Thơ trong công tác phối hợp, kết nối, tiêu thụ nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2025 (diễn ra các ngày 6-8/10), bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, cơ quan này vẫn đang chờ kết quả kiểm nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác vụ ngộ độc hàng loạt sau tiệc Trung thu của chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức) đêm 29/9.
Nạn nhân tử vong có 2 lần nguy cơ ngộ độc
Theo bà Phong Lan, đến giờ qua điều tra, mới chỉ phát hiện nguy cơ gây ngộ độc ở khâu bảo quản bánh su kem Givral. Cụ thể, bánh mang từ cửa hàng về đến chung cư lúc 10h ngày 29/9, nhưng đến 19h cùng ngày mới mở tiệc.
Toàn bộ thời gian này, bánh được lưu trữ trong quán cà phê của người mua, với điều kiện chỉ hơn 20 độ C. Đây là một nguy cơ dẫn đến bánh nhiễm khuẩn, dù ít hơn nguy cơ để qua đêm.
Riêng với trường hợp bé gái 6 tuổi tử vong, nạn nhân chịu đến 2 lần nguy cơ. Đó là khi bánh để ở quán cà phê và mang về phòng trọ để qua đêm không bảo quản. Việc ngộ độc lại xảy ra trên trẻ có sức khỏe yếu ớt sẵn, nên đã gây hậu quả nghiêm trọng.
"Trong vụ việc vừa qua bị hổng ở 2 khâu bảo quản. Dù các nạn nhân có thể kèm theo yếu tố tâm lý, nhưng không thể loại trừ chất lượng của chiếc bánh, vì rất nhiều bé cùng dự bữa tiệc bị ngộ độc", bà Lan phân tích.
Cũng theo Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định bánh su kem được sản xuất chỉ sử dụng trong ngày, khi mang đến cơ sở phân phối được đóng gói riêng rẻ từng cái một.
Công ty sản xuất bánh đã được kiểm tra thế nào?
Bà Phong Lan chia sẻ thêm, công ty sản xuất bánh su kem trong vụ việc (Công ty Cổ phần Bánh GIVRAL) đã được thẩm định cấp lại giấy đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm vào ngày 21/4.
Doanh nghiệp này có tham gia sản xuất bánh trung thu trong dịp vừa rồi và cũng được kiểm tra. Ngoài ra, còn có các đợt kiểm tra định kỳ hàng năm.
Sau khi xảy ra sự việc ngộ độc hàng loạt, trong ngày 2 và 3/10, Công an TP Thủ Đức, Công an Kinh tế và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã kiểm tra đột xuất công ty này.
"Bản thân doanh nghiệp cũng mong làm rõ. Nếu xảy ra rồi mà không biết sai ở khâu nào thì làm sao đề phòng những vụ việc sau này", bà Lan chia sẻ.
Cũng theo bà Lan, khó khăn trong việc kiểm nghiệm là đến tận ngày 3/10 mới lấy mẫu, trong khi 29/9 đã diễn ra tiệc. Khi đã trôi qua thời gian dài như vậy, kết quả kiểm nghiệm không thể đảm bảo chính xác 100%.
Do đó, cần phải xem xét nhiều khía cạnh, như bệnh phẩm của các bệnh nhân nhập viện điều trị, hoặc cấy phân những người bị rối loạn tiêu hóa để xem có các vi khuẩn hay không…
"Xảy ra chuyện thì rất nhanh và dễ, nhưng khi đào lại nguyên nhân thì phải xem xét cho thấu đáo mọi hướng", bà Phong Lan nói.
Như đã thông tin, tại chương trình Tết Trung thu của chung cư Palm Heights, bà P.T.U. (quê Cà Mau, tạm trú tại phòng trọ phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức), là nhân viên vệ sinh của chung cư đã nhận phần quà gồm 5 bánh su kem nhãn hiệu Givral.
Chiều 30/9, bà U. mang bánh về phòng trọ, cùng hai con sử dụng bánh. Đến sáng 1/10, 3 người có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy. 3 mẹ con đến phòng khám trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) điều trị với chẩn đoán: theo dõi nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa và được kê đơn thuốc.
Chiều cùng ngày, bé Q. (6 tuổi, con chị U.) được gia đình đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh, với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, kê toa thuốc ra về.
Vì tình trạng của bé Q. không thuyên giảm nên sau đó, bé được đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu khuya 1/10 với tình trạng tím tái toàn thân. Khi vào cấp cứu, bệnh viện xác định cháu bé đã tử vong ngoài viện chưa rõ nguyên nhân.
Ngoài bé Q., hàng chục trường hợp khác ăn bánh su kem trong chương trình trên cũng xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc. Trong đó, có 19 ca nhập viện.
Tại cuộc làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ trong công tác phối hợp và kết nối, tiêu thụ nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2025, đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, Cần Thơ hiện có 7 cơ sở thủy sản tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" thực hiện thí điểm trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, tổng sản lượng thủy sản tham gia chuỗi nuôi trồng tại TP Cần Thơ là 3.138 tấn/năm, gồm nhiều loại cá, ếch, lươn, tôm...
Trong công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã lấy 30 mẫu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cần Thơ gửi phân tích định lượng về các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản. Kết quả kiểm nghiệm không phát hiện tồn dư hoạt chất, kháng sinh cấm trong mẫu kiểm.
Qua báo cáo và thống kê, hiện có 8 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ có sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn TPHCM được cấp một trong các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ chia sẻ, Cần Thơ dù có thế mạnh sản phẩm thủy sản nhưng còn hạn chế trong việc các cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP.
Ngoài ra, các sản phẩm nông sản từ các nông hộ chủ yếu bán qua thương lái đưa lên TPHCM tiêu thụ ở các chợ đầu mối, quá trình thu gom sản phẩm hỗn hợp, dẫn đến khó khăn khi truy xuất sản phẩm.
Sở NN&PTNT Cần Thơ đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu biểu đã áp dụng truy xuất nguồn gốc và sản phẩm trong chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.