1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thanh Hóa:

Bé gái 2 tuổi uống nhầm thuốc diệt chuột giống siro

(Dân trí) - Chai thuốc diệt chuột làm giống chai siro khiến một bé gái 2 tuổi ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) tưởng là nước ngọt nên đã lấy uống.

Ngày 31/3,  ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, bệnh viện vừa cứu sống thành công bé L.T.N.D (24 tháng tuổi, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia) do uống nhầm thuốc diệt chuột.

Trước đó, vào khoảng 22h40 ngày 25/3, cháu D. nhập viện với các biểu hiện hôn mê và co giật.

Theo thông tin từ gia đình cho biết, khoảng 17h cùng ngày, bé D. đã uống nhầm thuốc diệt chuột (màu đỏ, nguồn gốc Trung Quốc) không rõ số lượng, sau 1 giờ bệnh nhân xuất hiện nôn.

Bé gái 2 tuổi uống nhầm thuốc diệt chuột giống siro - 1

Thuốc diệt chuột giống siro khiến bé 2 tuổi uống nhầm.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình cho bệnh nhân nhập vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia. Tại đây, cháu bé được rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch thải độc.

Sau 3 giờ bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, hôn mê, được cấp cứu và vận chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng rất nặng: Ý thức hôn mê, co giật toàn thân, tím tái, rối loạn nhịp tim, được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột giờ thứ 6.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã tiến hành xử trí cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị thải độc theo phác đồ Bộ Y tế.

“Diễn biến trong 3 ngày đầu, tình trạng  bệnh nhân có tiến triển tốt hơn, nhưng vẫn còn triệu chứng co giật toàn thân cơn ngắn. Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân sức khỏe đã ổn định và đã được cho xuất viện” – ông Khoa thông tin.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đã tiếp nhận và cấp cứu cho 5 trường hợp do uống nhầm thuốc diệt chuột.

Bác sĩ Ngô Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: “Lọ thuốc diệt chuột Trung Quốc rất giống với một số lọ si rô hoa quả. Thuốc diệt chuột Trung Quốc có chứa Natri Flouro acetat, là một chất cực độc có thể gây suy tim, rối loạn nhịp tim nặng, hôn mê co giật.

Fluoroacetat gây độc bằng ức chế chuyển hóa của tế bào, ức chế hô hấp tế bào, mất dự trữ năng lượng gây chết tế bào, cơ quan tổn thương nhiều nhất là cơ, tim, não và thận. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong ngay lập tức".

Cũng theo bác sĩ Hưng, thuốc diệt chuột Trung Quốc bị cấm lưu hành, chỉ gặp do nhập lậu vào Việt Nam, màu thuốc rất dễ nhìn bắt mắt (thường là màu hồng hoặc màu đỏ), không có mùi hoặc mùi thơm, dễ nhầm lẫn với các loại nước hoa quả hay siro ho thuốc bổ; do đó trẻ em (gặp nhiều ở trẻ dưới 6 tuổi) thường uống nhầm do tính tò mò hiếu động thích khám phá.

 “Để tránh tình trạng bị ngộ độc, khuyến cáo các bậc phụ huynh có con nhỏ phải cẩn thận hơn trong việc bảo quản sử dụng và cất giữ các loại chất độc trong gia đình, tránh xa tầm tay của trẻ, không để chung với các loại thuốc điều trị khác” – bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm