Bé gái 14 tuổi tử vong do sốc sốt xuất huyết

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, biến chứng suy đa cơ quan, mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé gái không qua được nguy kịch. Đây là ca bệnh thứ 4 tại TPHCM tử vong vì sốt xuất huyết trong năm 2019.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bị sốc sốt xuất huyết. Bệnh nhi là bé Phan Thị C.Y. (14 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM) được bệnh viện địa phương chuyển đến ngày 24/6 trong tình trạng lơ mơ với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết.

Các kết quả thăm khám, xét nghiệm ghi nhận, bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết Dengue rất nặng, biến chứng suy đa cơ quan. Ngay lập tức, các bác sĩ đã đặt nội khí quản cho bệnh nhi thở máy, truyền máu bổ sung, điều trị nội khoa tích cực… Tuy nhiên, sau 2 ngày nằm viện, bệnh ngày càng diễn tiến xấu, bệnh nhi không qua được nguy kịch.

 Bé gái 14 tuổi tử vong do sốc sốt xuất huyết - 1

Sốt xuất huyết là bệnh phổ biến nhưng rất nguy hiểm, cộng đồng nên chủ động các biện pháp phòng ngừa

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, từ đầu năm đến hết tháng 5, toàn thành ghi nhận 22.417 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Riêng tháng 5, có 1.650 ca bệnh, sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm nhưng số ca bệnh đang ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã có tổng cộng 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết.

Dự báo, thời gian tới khi đi sâu vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, đe dọa tính mạng, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần tập trung triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, che kín hoặc lật úp các vật dụng có thể chứa nước, thực hiện các giải pháp diệt muỗi bằng hóa chất, ngủ mùng thường xuyên để tránh nguy cơ bị muỗi đốt, sử dụng các loại nhang muỗi, hóa chất xua đuổi, lưới chống muỗi, mỗi gia đình cần đồng thuận và hỗ trợ các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi triển khai tại địa phương.

Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 đến 400C, tình trạng sốt kéo dài 2 tới 7 ngày, khó hạ sốt. Bệnh nhân sẽ đối mặt với tình trạng đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban ngoài da. Ở thể bệnh nặng bệnh nhân sẽ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp).

Để tránh biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết gây ra, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh phải nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, điều trị. Gia đình có người mắc bệnh cần thông báo cho trạm y tế địa phương để có giải pháp khoanh vùng, xử lý không để bệnh lây lan trên diện rộng.

 Vân Sơn