Bé 1 tuổi nguy kịch vì căn bệnh trẻ nào cũng dễ mắc
(Dân trí) - Bệnh nhi 12 tháng tuổi (Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng bị tiêu chảy cấp, mất nước nặng, biến chứng toan chuyển hóa, suy thận, suy tim cấp, rối loạn điện giải.
Theo lời kể của gia đình, một ngày trước khi nhập viện, bé có biểu hiện sốt theo cơn, ăn kém, nôn nhiều ra thức ăn, ỉa lỏng 5-6 lần/ngày. Gia đình cho uống thuốc và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, sau đó, trẻ có biểu hiện mệt nhiều, chậm chạp, da xanh tái, gia đình vội vàng đưa con đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh).
Tại đây, trẻ được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp nặng, mất nước nặng, biến chứng toan chuyển hóa, suy thận, suy tim cấp, rối loạn điện giải…
BSCKI Đào Thị Loan, Phó Trưởng khoa Nhi cho biết trẻ nhập viện với biểu hiện của tiêu chảy cấp, li bì, khó thở, bỏ ăn, không uống được, môi khô, mắt trũng, có diễn biến nhanh, tiên lượng rất nặng.
Các bác sĩ ngay lập điều trị hồi sức tích cực: hỗ trợ thở oxy, bù nước điện giải, tích cực điều chỉnh toan kiềm, dùng kháng sinh và thực hiện chế độ chăm sóc bệnh nhi cấp 1.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi có tiến triển tốt, tỉnh táo hơn, đỡ mệt, không nôn, không sốt... 8 ngày sau trẻ được xuất viện.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết thêm tiêu chảy là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Với trẻ bị tiêu chảy việc bù dịch bằng oresol đóng vai trò vô cùng quan trọng. Oresol là thành tựu khoa học của thế giới đã cứu sống hàng triệu trẻ em bị mất nước vì sốt cao hoặc tiêu chảy. Khi trẻ bị tiêu chảy, bác sĩ phải kê đơn có oresol để bù lại nước nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng.
Cha mẹ cần mua thuốc theo đúng đơn của bác sĩ cấp, đọc kỹ hướng dẫn cách dùng, liều lượng của thuốc oresol... nếu không sẽ gây tác dụng ngược.
Cụ thể, nếu gói oresol theo hướng dẫn pha với 200ml thì cần pha đủ 200ml nước mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. Nếu pha quá loãng sẽ không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi. Còn nếu pha đậm đặc với ít nước thì sẽ khiến trẻ bị ngộ độc muối, khát thêm và nguy hiểm đến tính mạng.
Tại Việt Nam, tác nhân gây tiêu chảy cấp nhập viện thường gặp nhất là rotavirus. Theo thống kê, có đến 95% trẻ em đều bị nhiễm virus rota ít nhất một lần trước 5 tuổi. Hằng năm, tiêu chảy cấp do virus rota gây ra tước đi sinh mạng hơn 600.000 trẻ em trên toàn thế giới và tỷ lệ trẻ tử vong vì bệnh này rất cao ở các nước đang phát triển.
Thời ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, các gia đình nên thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh bề mặt đồ dùng trong gia đình, cho trẻ uống vaccine phòng bệnh rotavirus...
Bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ mắc tiêu chảy phân lỏng không đỡ đồng thời quấy khóc nhiều hoặc có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn nhiều, nôn ra tất cả mọi thứ, khát, háo nước, mắt trũng, gia đình cần đưa con đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.