1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bất ngờ với loại chanh bản địa chống ung thư tuyệt vời

(Dân trí) - Theo nghiên cứu, một loại chanh bản địa của Philipines sở hữu khả năng chống ung thư mạnh mẽ. Điểm đặc biệt là phần lớn hoạt chất đóng góp vào khả năng này lại nằm ở lớp vỏ.

Calamansi là một loại trái cây được lai tạo giữa kim quất và một thành viên khác trong họ cam chanh. Calamansi được trồng rộng rãi ở Philipines nên còn được gọi là chanh Philipines. Loại trái này được sử dụng phổ biến trong nhiều loại đồ uống, món ăn, nước xốt và đôi khi hoạt động như một chất bảo quản tự nhiên. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thực phẩm, theo một nghiên cứu, chanh Philipines còn có giá trị to lớn trong việc hỗ trợ chống lại căn bệnh ung thư, tất cả là nhờ vào hàm lượng d-limonene dồi dào mà nó sở hữu.

Nói qua về d-limonene, đây là một hoạt chất được tìm thấy nhiều trong lớp vỏ của trái cây họ cam chanh. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, d-limonene sở hữu đặc tính chống ung thư mạnh mẽ, điển hình như nghiên cứu của Trung tâm Ung thư thuộc Đại học Arizona đã phát hiện: d-limonene là nhân tố chủ chốt trong khả năng chống ung thư của vỏ chanh. Thêm vào đó, d-limonene còn được biết đến với khả năng kháng viêm đáng kinh ngạc.

Bất ngờ với loại chanh bản địa chống ung thư tuyệt vời  - 1

Quay trở lại với nghiên cứu được đề cập ở đầu bài, mục tiêu được các nhà khoa học đến từ Philippines đưa ra chính là xác định hàm lượng các hoạt chất, trong đó có d-limonene chứa trong tinh dầu calamansi, cũng như tác động của chúng lên tế bào động vật và con người.

Theo kết quả được đăng tải trên tạp chí khoa học “Industrial Crops and Products”, hàm lượng d-limonene trong tinh dầu calamansi lên đến 93%. Trong thí nghiệm về tác động của tinh dầu calamansi lên tế bào ung thư vú thuộc dòng MCF-7 của người và tế bào buồng trứng không bị ung thư của chuột hamster, nhóm tác giả cũng phát hiện ra rằng, loại tinh dầu này có khả năng gây độc với dòng tế bào ung thư vú ở người.

Từ các kết quả thu được của công trình nghiên cứu này, nhóm tác giả tin rằng, khả năng gây độc lên các tế bào ung thư vú của tinh dầu calamansi là nhờ vào hàm lượng d-limonene cực lớn mà nó sở hữu. Bên cạnh đó, những hoạt chất khác có trong 7% thành phần còn lại của tinh dầu calamansi được các nhà khoa học cho là có sự cộng hưởng với tác dụng chống ung thư của d-limonene.

Minh Nhật

Theo Cancer News