1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bất ngờ phát hiện hạt lạc kẹt trong phổi trẻ từ tiếng thở rít

Minh Nhật

(Dân trí) - Thấy con có hiện tượng thở rít, khò khè khi ngủ, bố mẹ đưa bé đi khám thì bất ngờ phát hiện hạt lạc kẹt bên trong phế nang.

Đang ngồi chơi trong nhà, bé N.V.A, 18 tháng tuổi, sống ở Hà Nội bất ngờ ho sặc sụa, mặt chuyển tím tái. Trong lúc hoảng hốt, bố mẹ A. sơ cứu bằng cách vỗ vào ngực thì vài phút sau, bé A. hết cơn ho và trở lại trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, tối hôm đó khi đang ngủ, bé có hiện tượng khò khè, thở rít bất thường nên sáng hôm sau gia đình đưa con đến bệnh viện gần nhà để thăm khám.

Bất ngờ phát hiện hạt lạc kẹt trong phổi trẻ từ tiếng thở rít - 1

Hình minh họa

Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nghi trẻ có dị vật ở đường thở nên đã chuyển bệnh nhi sang Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương (Hà Nội).

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi, PGS.TS Lương Thị Minh Hương, khoa Nội soi cho biết: "Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhi có các triệu chứng của hội chứng xâm nhập như: ho sặc sụa, tím tái, trợn mắt mũi sau đó trở lại bình thường. Tiến hành nghe phổi thấy rì rào phế nang một bên giảm nên chúng tôi chẩn đoán bệnh nhi bị dị vật đường thở".

Sau đó, cháu bé được gây mê và tiến hành nội soi. Đáng chú ý, qua nội soi, các bác sĩ phát hiện có hạt lạc nằm ở thùy giữa phế quản bên phải của bệnh nhi.

Bất ngờ phát hiện hạt lạc kẹt trong phổi trẻ từ tiếng thở rít - 2

PGS.TS Lương Thị Minh Hương nội soi cho một bệnh nhân

"Dị vật là hạt lạc luộc, rất bở nên quá trình gắp ra gây nhiều khó khăn. Hạt lạc bị vỡ ra khi gắp nên chúng tôi phải lấy rất nhiều lần mới hết được hạt lạc trong đường thở của cháu bé", PGS Hương phân tích.   

Theo PGS Hương, thanh quản có 4 chức năng: thở, phát âm, nuốt và bảo vệ đường thở dưới. Khi hóc dị vật, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt, chúng ta sẽ ho sặc sụa, đây là phản xạ bảo vệ đường thở dưới của thanh quản. Nhờ phản xạ này, đa số các trường hợp dị vật sẽ được đẩy ra ngoài, nhưng cũng có một số trường hợp dị vật vẫn bị rơi vào đường thở dưới, có thể mắc lại ở thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Trong trường hợp bệnh nhi này, hạt lạc sau cơn ho đã chui xuống phế quản.

PGS Hương chia sẻ: "Trường hợp dị vật rơi xuống phế quản thường không gây nhiều triệu chứng. Tuy nhiên sau một thời gian, có thể là vài ngày, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng như ho, sốt, thở khò khè".

Nguyên tắc phòng ngừa hóc dị vật đường thở ở trẻ em

Đáng chú ý, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương thường xuyên tiếp nhận các cháu bé bị hóc dị vật đường thở như bệnh nhi A.

Theo PGS Hương, đối tượng thường gặp nhất là trẻ từ 1-3 tuổi. Bởi lúc này, trẻ đã có thể tự di chuyển được, bố mẹ cũng ít chú ý hơn trong chăm sóc. Khi trẻ nhặt được vật gì đó cho vào miệng rồi bị giật mình, khóc hay ho sẽ khiến dị vật lọt vào đường thở.

Bất ngờ phát hiện hạt lạc kẹt trong phổi trẻ từ tiếng thở rít - 3

Hạt lạc là một trong những "thủ phạm" gây hóc dị vật đường thở thường gặp ở trẻ nhỏ

"Trường hợp mà chúng tôi thường gặp nhất là hóc hạt lạc. Bên cạnh đó, còn có các loại hạt, quả khác như hạt hướng dương, hạt na, hạt hồng xiêm hoặc thậm chí là mảnh xương nhỏ, mảnh đồ chơi", PGS Hương nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh, hóc dị vật đường thở cực kỳ nguy hiểm. Nếu dị vật bít tắc đường thở, trẻ có thể tử vong chỉ trong vòng 5 phút.

Để đề phòng hóc dị vật đường thở ở trẻ nhỏ, PGS Hương khuyến cáo:

- Các gia đình có con nhỏ không nên để các vật nhỏ mà trẻ có thể cho vào miệng ở xung quanh hoặc trong tầm với của trẻ. Cho trẻ chơi đồ chơi đúng theo khuyến cáo về lứa tuổi của nhà sản xuất. Tránh các đồ chơi có chi tiết nhỏ.

- Không để trẻ dưới 5 tuổi ăn/tiếp cận các loại hạt, quả nhỏ như: hạt lạc, hạt na, hạt dưa, hạt hồng xiêm.

- Không nên bắt ép trẻ ăn khi đang khóc hoặc để trẻ cười đùa trong khi ăn uống.

- Khi có dấu hiệu hội chứng xâm nhập (cơn ho sặc sụa, tím tái, sau đó trẻ có thể không có dấu hiệu gì đặc biệt) nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.