1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bảo quản vắc xin: Thấy mà sợ!

"Khi đi kiểm tra công tác bảo quản vắc xin ở các trạm y tế xã, phường và cả ở quận, huyện tôi thấy sợ quá! Vắc xin được để chung nhiều loại thuốc có thải nhiệt (không được phép), thậm chí vắc xin dơ để lẫn vắc xin không dơ”, một cán bộ Viện Pasteur TPHCM cho hay.

Chỉ trong vòng 2 tháng (4 và 5/2007) trên cả nước đã có 8 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm ngừa các loại vắc xin đã gây một sự hoang mang lớn từ phía người dân (4 trường hợp với vắc xin viêm gan B (VGB), 2 trường hợp phản ứng vắc xin VGB nội, 1 trường hợp với vắc xin MMR, và 1 với vắc xin phòng dại).

 

Bà Nguyễn Thị Minh Phượng - Viện Pasteur cho biết: “Khi đi kiểm tra công tác bảo quản vắc xin ở các trạm y tế xã, phường và cả ở quận, huyện tôi thấy mà sợ quá! Vắc xin được để chung với nhiều loại thuốc có thải nhiệt (không được phép), thậm chí vắc xin dơ để lẫn vắc xin không dơ.

 

Nguyên nhân do nhiều nơi thiếu phòng ốc, có khi thực hiện tiêm ngừa ngay cạnh phòng chống lao thì thật đáng sợ! Hầu hết các bậc cha mẹ tiêm xong bế con về ngay, không kịp nghe bác sỹ dặn dò”.

 

Dụng cụ tiêm chủng cũng cần nhanh chóng được khắc phục. Tại một điểm tiêm của vùng ĐBSCL đoàn giám sát Viện Pasteur phát hiện cán bộ ở đây sử dụng ống tiêm có date từ tháng 9/2005 để tiêm ngừa vắc xin DTC cho trẻ.

 

Theo qui định bơm kim tiêm chỉ được sử dụng 1 lần. Việc vận chuyển vắc xin theo qui định từ kho tới khu vực và tỉnh về bằng xe lạnh hoặc bằng xe chuyên dụng, máy bay. Từ kho khu vực tới tỉnh phải sử dụng xe lạnh hoặc hòm lạnh có đặt chỉ thị nhiệt độ. Từ tỉnh tới huyện sử dụng hòm lạnh. Từ huyện tới xã vắc xin đựng trong phích vắc xin và chỉ sử dụng trong 1 ngày.

 

Tuy nhiên rất nhiều tủ lạnh ở tỉnh, huyện quá cũ, nhiệt độ nóng quá hay lạnh quá cũng khiến cán bộ tiêm chủng lo sợ. Tình trạng phổ biến nhất hiện nay là các trạm y tế xã lại thường để vắc xin bị đóng băng hết…

 

100% gặp phản ứng phụ khi tiêm vắc xin dại fuenzalida

 

Hôm qua, sau 20 ngày bị tai biến do chích ngừa vắc xin dại Rabivax II, còn gọi là vắc xin dại Fuenzalida, anh Tiết Duy Hiếu, 28 tuổi, ngụ TPHCM, vẫn trong tình trạng liệt yếu toàn thân, không thể cử động và không thể nói được.

 

Phó chủ nhiệm thường trực dự án phòng chống bệnh dại Đinh Kim Xuyến cho biết: đang có hai loại vắc xin ngừa dại lưu hành song song tại VN là Fuenzalida, sản xuất trong nước từ não chuột, giá 80.000 đồng/tám mũi tiêm; văcxin dại tế bào Verorab, khoảng 300.000 đồng/tám mũi tiêm nếu tiêm dưới da. Tuy nhiên, 100% người tiêm Fuenzalida đều có phản ứng phụ tại chỗ sau tiêm (sưng, quầng đỏ, ngứa, tụ máu, sần cứng), 90% phản ứng trong số này là nhẹ, có thể tự khỏi. Với các phản ứng nặng (như liệt...), tỉ lệ trong các năm vừa qua là 2/1 vạn người tiêm.

 

Cũng theo bà Xuyến, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo ngừng sử dụng Fuenzalida từ năm 1996, đến nay chỉ có ba nước tiếp tục sử dụng vắc xin này, trong đó có VN! Tuy nhiên số chó nuôi và người bị chó cắn ở VN rất cao, mỗi năm có tới 600.000 người cần tiêm ngừa dại, nếu ngừng sử dụng Fuenzalida sẽ khó khăn cho nhiều người nghèo. Dự án phòng chống bệnh dại đã đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng nhập khẩu công nghệ sản xuất hoặc vắc xin dại tế bào (tương tự như Verorab) để đảm bảo an toàn cho người dân. Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng đã nghiên cứu thành công ở qui mô phòng thí nghiệm vắc xin ngừa dại tế bào từ chuột đất vàng, giá rẻ hơn hẳn so với hàng nhập ngoại. 

Theo Tuổi trẻ

 

Theo Công an nhân dân