1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bảo hiểm y tế “cắt giảm” nhiều loại thuốc chữa ung thư, viêm khớp?

(Dân trí) -Theo nội dung dự thảo Luật BHYT sửa đổi sẽ có nhiều loại thuốc chữa ung thư, viêm khớp, viêm gan, ngộ độc... không nằm trong danh mục được BHYT chi trả 100%. Tuy nhiên, cũng có thêm nhiều loại thuốc mới dành điều trị những bệnh lý này được bổ sung vào danh mục được BHYT chi trả.

Bảo hiểm y tế “cắt giảm” nhiều loại thuốc chữa ung thư, viêm khớp?



ThS. Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, theo dự thảo này, sẽ có 836 hoạt chất (tương đương 1.052 loại thuốc) BHYT chi trả. So sánh với danh mục thuốc cũ, danh mục mới đã giảm cả về số lượng hoạt chất và số lượng thuốc được chi trả (danh mục thuốc được BHYT chi trả hiện có 900 hoạt chất với 1.143 thuốc). Các loại thuốc bị loại khỏi danh mục hoặc giảm tỷ lệ chi trả đều là các thuốc mới, chi phí cao (từ 40 - 100 triệu đồng/tháng điều trị), nếu để Quỹ BHYT chi trả 100% như trước sẽ khó đảm bảo cân đối quỹ. Việc danh mục thuốc BHYT lần này quy định cụ thể bệnh nào thì được thanh toán và thanh toán bao nhiêu... nhằm tăng cường kiểm soát việc lạm dụng thuốc.

“Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia về lĩnh vực BHYT, tài chính của một số nước cho rằng, danh mục thuốc BHYT chi trả hiện nay của chúng ta quá rộng, trong đó có nhiều thuốc biệt dược, thuốc generic rất hạn chế. Do đó, khi xây dựng danh mục thuốc mới này, chúng tôi đã loại ra khỏi danh mục nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc ngừng đăng ký lưu hành hoặc thuốc trùng nhau về hoạt chất, thuốc hỗ trợ điều trị... và vẫn đảm bảo đủ thuốc điều trị cho người bệnh”, bà Hương cho biết.

Theo đó, trong danh mục thuốc BHYT mới này, có 41 thuốc hoàn toàn mới được đưa vào đề nghị BHYT thanh toán. Đây đều là các thuốc mới, điều trị các bệnh lý tim mạch, ung thư, xương khớp, có chi phí điều trị cao và có chỉ định khá rộng rãi. Tuy nhiên, mức chi trả của quỹ BHYT với các loại thuốc này thường chỉ chiếm khoảng 50% chi phí. Ví như với các loại thuốc mới điều trị ung thư đại tràng, ung thư vú giai đoạn sớm, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, điều trị vẩy nến có chi phí điều trị lên tới 200 - 800 triệu đồng/năm, mức chi trả từ Quỹ BHYT với các loại thuốc này là 50% chi phí.

Theo bà Hương, việc một số thuốc điều trị ung thư, điều trị bệnh khớp đều là các thuốc mới, đắt tiền bị đưa khỏi danh sách hoặc giảm tỷ lệ chi trả từ Quỹ BHYT xuống còn 50%, không làm ảnh hưởng nhiều đến kết quả điều trị của bệnh nhân ung thư (là loại bệnh phải điều trị dài ngày, chi phí cao). Vì trong danh mục thuốc điều trị ung thư được BHYT chi trả có đến 57 loại thuốc, đủ đáp ứng yêu cầu điều trị thông thường. Đơn cử như thuốc gefitinib (dạng uống, điều trị ung thư phổi) có chi phí hơn 36 triệu đồng/tháng, thuốc erlotinib dạng uống điều trị ung thư phổi có chi phí hơn 40 triệu đồng/tháng điều trị, thuốc sorafenib (điều trị ung thư tế bào) chi phí tới 118 triệu đồng/tháng... Ngoài ra, trong Thông tư 09 cũng quy định Quỹ BHYT thanh toán cho thuốc chống ung thư ngoài danh mục. Bên cạnh đó, việc danh mục thuốc BHYT lần này sẽ quy định cụ thể bệnh nào thì được thanh toán và được thanh toán bao nhiêu… nhằm tăng cường kiểm soát việc lạm dụng thuốc.

Được biết, để xây dựng danh mục thuốc BHYT, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên gia theo từng chuyên ngành cụ thể (tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh thông thường...) để xin ý kiến các chuyên gia. Vì thế, trong danh mục thuốc mới này, các nhóm bệnh quan trọng như ung thư, tim mạch, đái tháo đường đã được bổ sung, thay thế nhiều thuốc mới và được hướng đến các thuốc có hiệu quả trong điều trị với giá thành phù hợp.

 Luật BHYT cũng được sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó  đưa ra quy định người dân bắt buộc phải tham gia BHYT. Luật cũng đưa ra quy định khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, đến người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình. Ba là, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng bảo hiểm y tế.

 

Việc sửa đổi bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách, cụ thể là: Bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

 

Đặc biệt, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.  Quy định cụ thể mức hưởng BHYT đối với các trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến và bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…


 
Hồng Hải