Bạo hành với người đồng tính đến từ chính… gia đình
(Dân trí) - “Điểm đặc trưng trong xã hội Việt Nam là việc người đồng tính không bị bạo hành trên đường phố nhưng lại gặp những vấn đề lớn, nghiêm trọng trong chính gia đình mình”, TS. Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) phát biểu.
Ngày 10/5, Hội thảo Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp với iSEE tổ chức Hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới - Quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” nhằm “đối thoại” với các đại biểu Quốc hội ngay trước kỳ họp thứ 5 sắp khai mạc về vấn đề này.
Theo nghiên cứu của iSEE, những nhóm người đồng tính dám tự tin công khai thân phận, hoạt động tích cực, thành công và có cuộc sống riêng tư được chấp nhận, ủng hộ chỉ là một mảng sáng trong cộng đồng 1,6 triệu LGBT ở Việt Nam hiện nay. Mảng tối của vấn đề, theo ông Bình, mới là phần chìm của tảng băng, là số những người ít may mắn hơn rất nhiều, thậm chí là những bi kịch đầy bế tắc.
Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) nhận định, vấn đề định kiến và kỳ thị là thách thức lớn nhất với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới. “Trải nghiệm của người đồng tính với việc bị phân biệt đối xử là có thật. Theo khảo sát, 95% người đồng tính nam nói đã nghe những lời kỳ thị từ người khác về bản thân, 20% từng bị mất bạn bè, 15% bị gia đình đánh đập, xỉ vả… chỉ vì việc họ nói thật về mình” – ông Bình nói.
Không giấu giọng chua xót, TS Bình phân tích, điểm đặc trưng trong xã hội Việt Nam thể hiện ở chính việc người đồng tính không bị bạo hành trên đường phố nhưng lại gặp những vấn đề lớn, rất nghiêm trọng trong chính gia đình mình.
Nhiều gia đình không đủ kiến thức nên nghĩ con mình mắc bệnh, thậm chí bắt ép con đi chữa bệnh tâm thần. Và phũ phàng là nhiều bệnh viện tâm thần cũng vẫn nhận chữa cho những người đồng tính như thế. Việc bắt ép uống thuốc điều trị lâu dài trong khi thực chất không có bệnh dẫn tới hậu quả rất lớn về sức khỏe tâm thần với người đồng tính.
Ông Bình chỉ rõ hệ quả: “Do rất nhiều sức ép, nhiều người đồng tính đã lập gia đình với người dị tính bình thường như mong muốn của người thân nhưng hậu quả là hôn nhân bế tắc, không hạnh phúc vì không có tình yêu. Tôi nghĩ rằng đó mới chính là một kiểu kết hôn “giả”, có sự lừa dối, vi phạm pháp luật chứ không phải việc 2 người cùng giới tính muốn chung sống với nhau là sai trái”.
Đến với hội thảo, can đảm chia sẻ câu chuyện của gia đình mình, phụ huynh của một thanh niên đồng tính nam ở Quận 9, TPHCM không kìm nổi nước mắt trong suốt câu chuyện, dù đây không phải lần đầu tiên bà thẳng thắn đối mặt với bi kịch 10 năm qua của cả nhà.
Người mẹ bật khóc mở đầu câu chuyện: “Từ nhỏ đến lớn, số lần chúng tôi đe nẹt, đánh con đếm chưa đủ tới 5 đầu ngón tay. Vậy mà khi con nói ra việc nó là “gay” vào năm thứ 2 đại học, nhiều tháng liền tôi… tẩy chay, không nhìn mặt. Ba nó thậm chí còn gọi nó là “sâu bọ” và chửi mắng những người bạn cùng giới tính của con là “đồ đáng phải bắn bỏ hết”.
Vợ chồng bà đã đưa con đến bệnh viện thử máu để xem cậu con trai mắc bệnh gì, thiếu hooc-môn nào mà lại thích con trai, bác sỹ kết luận cậu hoàn toàn không có bệnh. Gia đình lại “trói gô” cậu đưa đến… thầy cúng. Giữa lúc bị trói chặt tay chân, bóp chẹt yết hầu để truy hỏi, bóc “vong nữ” nhập vào ra, cậu thanh niên vẫn tuyệt vọng kêu lên: “Con là gay. Con chỉ yêu con trai”. Lúc đó người mẹ mới ngộ ra, nói chồng đưa con về nhà.
“Sự kỳ thị diễn ra trong gia đình tôi trong thời gian rất dài, tới 10 năm. Giờ tôi cũng không hiểu vì sao lại phải ghê sợ con mình như thế, có lẽ vì buồn, thất vọng khi nó “không bình thường” như ba mẹ” – người mẹ lại bật khóc.
Gia đình bà trước đó cũng đã 2 lần đưa con vào trị “bệnh”… đồng tính ở viện Tâm thần TƯ II (ở Biên Hòa) và 1 lần nuôi con nằm viện vì tự tử. Ở bệnh viện Tâm thần, bà thậm chí còn van xin bác sĩ không cho con nằm ở trại nam mà chuyển qua trại nữ để… cai việc phát sinh tình cảm với người cùng giới.
“Sao đến lúc ấy tôi vẫn không nhận ra là chúng tôi đã tra tấn, hành hạ chính con mình như thế nào. Sau khi ráng tìm hiểu, tôi mới biết và ân hận vô cùng vì coi như đã tự tay giết con mình đến nửa cuộc đời. Nó đã gần như thành tâm thần thật, sẽ phải uống thuốc thần kinh đến hết đời” – người mẹ đưa tay bưng mặt nức nở.
Sau đó, gia đình đã tìm ra lối giải thoát sự bế tắc là chấp nhận điều “bất thường” duy nhất ở con là yêu người cùng giới để con trai yên tâm sống, đi làm để nuôi thân. Nhưng nhận thấy việc đó vẫn chưa đủ, chưa đảm bảo môi trường cho con mình cũng như những người như con sống một cuộc sống bình thường nên chị đã mạnh dạn lên tiếng trên các diễn đàn hoạt động vì quyền của người đồng tính.
“Hạnh phúc bình thường của chúng tôi… bất thường với xã hội”
Một vấn đề khác đặt ra, sự kỳ thị đến từ môi trường nhà trường, giáo dục là gánh nặng khó đỡ đối với trẻ đồng tính. Tỷ lệ tự tử của trẻ đồng tính trong gia đình khi không được chấp nhận trong trường, lớp, theo con số ông Bình đưa ra, cao gấp 9 lần bình thường. Ngoài ra, sức ép tâm lý cũng rất nặng nề với ngay cả người thân, gia đình người đồng tính vì sợ mọi người biết sự thật, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp xì xào, tẩy chay…
Từ góc nhìn đó, TS Nguyễn Thu Nam (Viện chiến lược và phát triển Y tế) đặt vấn đề, hôn nhân đồng giới được công nhận mang lại điều gì cho cá nhân và xã hội?
Đối với bản thân những người đồng tính, rõ ràng việc này là sự thay đổi đột phá, mang lại cho mỗi người cảm giác an toàn về mọi khía cạnh của cuộc sống chung, có trách nhiệm và tăng tính cam kết, làm tăng chất lượng cuộc sống. Việc đăng ký chung sống đồng nghĩa với cam kết về hành vi chung thủy, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh qua đường tình dục.
Đối với bố mẹ người đồng tính, họ sẽ được giải tỏa tâm lý khi biết con mình có cơ hội có cuộc sống hôn nhân, gia đình bình thường như những người khác, giúp giảm bớt áp lực xã hội, tâm lý, tránh được những hậu quả đáng tiếc như việc trẻ bỏ nhà đi hay các vấn đề sức khỏe tâm trí khi mối quan hệ bố mẹ - con cái đổ vỡ.
Cũng đến từ TPHCM, 2 cô gái gốc Hà Nội H.Y và T.H kể về cuộc sống chung, cùng chăm một cô con gái gần 5 tuổi của mình. Chuẩn bị tinh thần cho con về việc có 2 người mẹ “cưới nhau” và chung sống đã khó, nhưng khi quyết định đón con từ Hà Nội vào Sài Gòn sống cùng, họ càng băn khoăn, lo lắng về việc những người cùng ở trong chung cư, trường lớp, thầy cô, bạn bè có gây áp lực gì cho con. May mắn, mọi người đều yêu quý cô bé rất dễ thương, nhạy cảm đó.
“Hiện tại cuộc sống của chúng tôi không khác gì những gia đình bình thường khác, rất hạnh phúc. Sáng chúng tôi đưa con đến trường rồi đi làm, chiều đón về, đi chợ, nấu ăn... Đáng tiếc là sự bình thường của chúng tôi lại là sự bất thường với những người xung quanh. Tôi vẫn rất sợ khi con lớn, xã hội sẽ nhìn nhận con như thế nào, có tác động xấu gì đến tương lai của cháu. Tôi mong con mình được phát triển bình thường như những đứa trẻ trong các gia đình dị tính khác” – người mẹ trẻ cố nén tiếng nấc nghẹn.
P.Thảo