Báo động tình trạng nhờn kháng sinh ở trẻ

Hiện tượng nhờn thuốc kháng sinh ở trẻ em hiện đang ở mức rất đáng báo động. Nguyên nhân không chỉ từ sự thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh mà còn từ sự thiếu trách nhiệm của chính các bác sĩ.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, khẳng định: “Trong danh mục hơn 60 đầu thuốc kháng sinh do Bệnh viện Nhi Trung ương nhập về năm nay, chỉ còn duy nhất một loại chưa có dấu hiệu kháng thuốc (kháng sinh Tienam).

 

Việc trẻ nhờn thuốc ngay từ những năm tháng đầu đời không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà còn gieo rắc mầm mống cho những căn bệnh nguy hiểm khác. Trong lúc dịch bệnh đang gia tăng vào giai đoạn chuyển mùa, tình trạng lạm dụng TKS trong điều trị cho trẻ em là đáng lo ngại”.

 

“Giá thành quá đắt đỏ của Tienam là nguyên nhân khiến chúng tôi không thể sử dụng loại này rộng rãi”, BS Lộc cho biết.

 

Một lọ Tienam 500mg dùng tiêm tĩnh mạch của Mỹ giá 300.000 đồng. Một ngày một trẻ cân nặng dưới 40 kg sẽ “ngốn” hết gần triệu bạc nếu dùng loại này (cứ 6 tiếng tiêm một liều Tienam 15 mg/kg cân nặng, một ngày dùng không quá 2gr).

 

Nghĩa là với khoảng thời gian điều trị tối thiểu 7 ngày, riêng tiền kháng sinh cho một trẻ đã ngót nghét 7 triệu đồng. Đó là chưa nói, trẻ trên 40kg phải dùng liều như người lớn (có thể tới 4gr/ngày).

 

Khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương, nơi thường xuyên quá tải, chúng tôi có cuộc tiếp xúc với nhiều bà mẹ. Hầu như trước khi đưa trẻ đến điều trị, bà mẹ nào cũng đã cho trẻ uống một số loại TKS.

 

Nhiều loại TKS gần như bị kháng hoàn toàn. Đối với vi khuẩn E. Coli (thường gây bệnh tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm trùng huyết), tỷ lệ kháng thuốc ở Ampiciline là 88%.

 

Còn ở Amoxiciline là 38,9% (Ampiciline và Amoxiciline là hai loại TKS trong nhóm Peniciline được dùng phổ biến hiện nay).

 

Đối với vi khuẩn Klebsiella (gây bệnh nhiễm trùng huyết và viêm phổi), tỷ lệ kháng thuốc của Ampiciline là gần 97% và Amoxiciline là 42%.

 

Đây là kết quả trong một nghiên cứu mới đây tiến hành tại sáu bệnh viện lớn trên cả nước là Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung ương, Quảng Ninh, Bình Định và Đồng Tháp.

 

Mẹ bé Nguyễn Văn Đức ở Bình Giang, Hải Dương, may mắn nhớ tên hai loại TKS con từng uống là Cephalexin và Megacep. Những thuốc này cũng do phòng khám tư kê cho. Nhưng hầu hết những người được hỏi không thể nhớ nổi tên hoặc nhớ rất lơ mơ về công dụng cụ thể của những loại thuốc đó.

 

Chị Đào Thị Thuỷ (Ba La, Hà Đông) ngồi ôm con gái 16 tháng tuổi thở khò khè qua chiếc ống thở, cho biết: “Trước khi nhập viện, tôi đưa cháu đi khám tại một phòng khám tư ở xã. Người ta kê mấy loại thuốc, trong đó có ba loại kháng sinh. Loại dạng viên, loại dạng bột. Tôi chẳng nhớ tên là gì. Uống một tuần liền không đỡ. Khi đưa vào BV Nhi thì phế quản của cháu đã bị tổn thương nặng”.

 

Việc kê TKS tuỳ tiện cho bệnh nhân không chỉ xảy ra ở các phòng khám tư mà còn diễn ra ngay tại một số BV lớn. Bác sỹ H., đang làm luận án tiến sĩ về sử dụng thuốc cho trẻ em và trú tại phố Linh Lang, Hà Nội, kể lại: “Con tôi sốt cao phải đưa tới khoa khám bệnh tự nguyện, BV Nhi Trung ương. BS khám không cần hỏi tiền sử con tôi sử dụng thuốc gì, tình trạng ra sao. Thay vào đó, BS kê ngay cho loại kháng sinh mạnh”.

 

Vẫn theo BS H., có một tâm lý chung trong khám và điều trị ở các bệnh viện công là khám qua loa và kê thuốc đại trà, thường là thuốc mạnh nhất và đương nhiên là đắt nhất.

 

BS Nguyễn Văn Lộc cho biết, trung bình một ngày BV tiếp nhận 1.200-1.500 bệnh nhi đến khám và điều trị. Có tới hơn 1.000 trẻ trong số đó từng sử dụng TKS. Tiền cho TKS chiếm 60% tổng kinh phí thuốc men của BV.

 

Cũng theo BS Lộc, một số loại TKS khi bị kháng, không những không triệt được bệnh mà còn làm tăng sức công phá của vi khuẩn đối với cơ thể và gây ra những bệnh nguy hiểm khác. Chẳng hạn như Penicilline, Streptomycine có thể gây điếc, nghiêm trọng hơn gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

 

Nếu sử dụng Chloramphenicol bừa bãi dễ gây suy tuỷ, ngộ độc hoặc gây ra hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh. Lincocine có thể gây rối loạn tiêu hoá, còn Sulfamid gây vàng da ở trẻ sơ sinh, hạ bạch cầu, tiểu cầu, gây suy tuỷ và dị ứng da nặng…

 

Nghiêm trọng hơn, trong khi tỷ lệ hen trên thế giới chưa có dấu hiệu giảm, một nghiên cứu mới đây gây không ít lo ngại. Điều tra trên 27.000 trẻ em ở Anh quốc cho hay, nếu trong những năm đầu đời, trẻ hay phải dùng kháng sinh, nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn 16% so với những đứa trẻ khác.

 

Tại Việt Nam, các chuyên gia y tế thừa nhận chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. Tuy nhiên, họ thừa nhận trẻ Việt Nam thường mắc các bệnh lây nhiễm về đường hô hấp, viêm phế quản, phổi, và thường được BS kê đơn kháng sinh. Đáng tiếc, dường như việc uống thuốc không mấy hiệu quả. Việc bị đi bị lại nhiều lần sẽ gây tác hại khôn lường.

 

Trước tình trạng lạm dụng và nhờn TKS, các nhà khoa học khuyến cáo, trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay vốn thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, cần tập trung bảo vệ đường hô hấp cho trẻ. Cách đơn giản nhất là thường xuyên giữ cho răng miệng sạch sẽ và tạo một môi trường sống vệ sinh.

 

Theo Tiền Phong