1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Báo động thuốc đông dược pha lẫn tân dược "lòe" dân

Người dân vừa điều trị tân dược, vừa thích uống đông dược “bổ sung”. Nếu đông dược có tân dược sẽ dẫn đến quá liều lượng, gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng...

Ông Nguyễn Đăng Lâm – Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Thuốc T.Ư đã chia sẻ ngày 14.9 tại Hội nghị Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu do Bộ Y tế tô chức.

Theo ông Lâm, thời gian qua, Viện Kiểm nghiệm Thuốc T.Ư phát hiện nhiều thuốc đông dược có pha lẫn tân dược, bao gồm cả thuốc tễ, viên hoàn được chế biến sẵn, thuốc siro và cả trong từng thang thuốc. Cá biệt, xuất hiện thuốc đông dược trộn tới 3-4 loại tân dược.

“Có ông lang sau khi bốc thuốc đã “phát” cho bệnh nhân 1 lọ thuốc kháng sinh bột với lời dặn, sau khi sắc thuốc xong thì pha một ít thuốc bột vào nước thuốc và uống” – ông Lâm kể.

Báo động thuốc đông dược pha lẫn tân dược "lòe" dân - 1

Theo ông Lâm, các thuốc đông dược thường được pha trộn tân dược như thuốc giảm đau, thuốc chữa khớp, thuốc chữa ho, thuốc tễ cho trẻ em. Điển hình như thuốc tân dược paracetamol được pha trong thuốc đông dược điều trị cảm sốt; thuốc corticoid trộn trong thuốc đông dược trị khớp, hen, ăn uống kém; Glibenclamid và metformin trộn vào thuốc đông dược chữa tiểu đường; sidenafil được trộn trong đông dược có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lực dùng cho nam giới.

“Đánh vào tâm lý thích dùng thuốc đông y với hy vọng lành tính, ít tác dụng phụ, giá thành rẻ nhưng lại muốn khỏi bệnh nhanh của người dân, không ít thày lang, bác sĩ đông y đã trộn tân dược vào đông y để tăng tác dụng điều trị.

Tuy nhiên, thuốc tân dược cần phải có kê đơn của bác sĩ, đúng liều lượng, đúng bệnh và được khuyến cáo, theo dõi những tác dụng phụ. Nếu người dân uống đông dược trộn tân dược có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng. Đáng ngại nhất là người dân vừa điều trị tân dược, vừa thích uống đông dược “bổ sung”. Nếu đông dược có tân dược sẽ dẫn đến quá liều lượng, gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể dẫn đến quá liều” – ông Lâm phân tích.

Theo ông Lâm, đáng ngại nhất là tân dược Corticoid có các tác dụng phụ rất nghiêm trọng, vốn được chỉ định chặt chẽ về liều lượng và thời gian. Còn thuốc đông dược lại điều trị lâu dài. Do đó, nếu người dân dùng thuốc đông dược có Corticoid trong thời gian dài có thể gặp các hậu quả nghiêm trọng như loãng xương, giữ nước gây phù, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, đái tháo đường, rối loạn tâm thần, đục thủy tinh thể, suy thượng thận…

TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện dược liệu dùng cho sản xuất thuốc tại Việt Nam vẫn còn chưa đảm bảo chất lượng. Hơn 80% trong số 60.000 dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam là nhập khẩu, đa số lại nhập theo con đường tiểu ngạch. Khi đó, các dược liệu lại được nhập như nông sản hoặc đăng ký sản xuất mỹ phẩm nên khó đạt tiêu chuẩn để làm thuốc.

TS Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cũng cho biết, từ tháng 3.2016 đến này, Cục mới cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất dược tại Việt Nam, với tổng số 1.400 tấn. “Mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 – 80.000 tấn dược liệu, trong đó 80% dược liệu là nhập khẩu. Trong khi đó mới có 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ. Điều này cho thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến rất phức tạp.

Theo Hà Quyên

Dân Việt