1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bạn đang lo lắng?

(Dân trí) - 10 mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua sự căng thẳng. Xin nhớ rằng đây không phải là cách thức bắt buộc. Tự đặt cho mình thêm nhiều nguyên tắc sẽ chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ đi.

Hãy lựa chọn cho mình những mẹo mà với bạn, chúng có hiệu quả nhất!

 

1. Đừng tự làm mình kiệt sức

 

Bạn không cần phải trở thành một người hoàn hảo. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường là nạn nhân đầu tiên của chứng bệnh căng thẳng. Đừng tự bắt mình lúc nào cũng phải là người suất sắc. Khi đảm nhiệm bất kỳ một công việc gì thì trước tiên hãy xem xét về yêu cầu của nó. Đừng phí công miệt mài viết bản báo cáo dài 24 trang trong khi tất cả yêu cầu chỉ là một bài tóm tắt.

 

Chúng ta không ai tránh khỏi mắc sai lầm. Nếu bài thuyết trình của bạn thất bại, hãy xóa bỏ nó trong ký ức của bạn bởi sự thất bại đó không có nghĩa bạn là một người bất tài.

 

2. Đừng lúc nào cũng chỉ biết đồng ý

 

Bạn không nên nhận nhiều việc hơn mức mình có thể giải quyết. Hãy là một người quyết đoán. Chẳng có gì sai nếu bạn nói “không” với yêu cầu của người khác.

 

Song cũng cần phải có cách từ chối khéo léo. Chẳng hạn như bạn có thể nói “Vâng, tôi có thể thực hiện bản báo cáo này nhưng có lẽ tôi sẽ không thể tham dự cuộc họp đó” hay đơn thuần bạn chỉ cần nói: “Cảm ơn ngài đã yêu cầu tôi song tôi e rằng tôi không thể hoàn thành nó đúng thời hạn”. Hãy để cho mọi người thấy bạn bận rộn thế nào.

 

3. Hãy dành thời gian suy nghĩ

 

Hãy tạm gác công việc và dành một chút thời gian để xem lại toàn bộ khối lượng công việc bạn phải làm. Sau đó hãy lên kế hoạch cho chính mình. Một điểm chú ý là bạn đừng quên công việc khẩn cấp để làm những công việc mặc dù có thể quan trọng hơn song lại không cần gấp

 

4. Hãy dành thời gian trò chuyện

 

Trò chuyện là cách tốt nhất để bạn thể hiện bản thân mình. Giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình sẽ giúp bạn vượt qua sự căng thẳng. Hãy thẳng thắn trao đổi với sếp, với người quản lý hay thậm chí là với bất kỳ ai có thể giúp bạn.

 

Khi bạn gặp khó khăn trong công việc, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ của những người khác.

 

5. Đừng vội vã

 

Tất cả chúng ta đều có những cách làm việc riêng. Có những người thích sống một cuộc sống hối hả. Song chúng ta không thể lúc nào cũng làm việc với một tốc độ quá nhanh bởi nếu vậy chúng ta sẽ không đạt được kết quả như ý muốn. Hãy sắp xếp thời gian để có thể thư giãn và suy ngẫm về những công việc mình đã làm.

 

6. Hãy dành thời gian cho bữa trưa

 

Làm việc cũng phải có thời gian nghỉ. Bạn nên dành thời gian để ăn trưa hay để uống sữa trong khi nghỉ giải lao. Làm như vậy bạn đã tạo cho mình cơ hội giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp và đảm bảo về khẩu phần ăn của mình. Nếu có thể bạn nên tránh rượu, thuốc lá hay cà phê.

 

 Không có chế độ ăn hợp lý hay chỉ ăn qua loa như khoai tây chiên hay mấy thanh sôcôla thì bạn chắc chắn sẽ phải chịu đựng chứng căng thẳng thần kinh. Thời gian ăn trưa là một trong những yêu cầu bắt buộc của mọi người.

 

7. Hãy dành thời gian đi dạo

 

Hãy luyện tập để xua đi sự căng thẳng. Bạn có thể chơi thể thao, đạp xe, đi bộ, bơi lội hoặc làm bất kỳ việc gì để có thể cảm thấy thư giãn. Những việc này sẽ giúp bạn có những suy nghĩ lạc quan hơn bởi bạn sẽ không thể nghĩ đến điều gì tiêu cực khi đang đạp xe.

 

8. Thở sâu

 

Dành một chút thời gian để thư giãn trong một ngày làm việc bận rộn là rất quan trọng. Thở sâu là một trong những cách tốt nhất để làm được điều đó. Bạn có thể học những bài tập thở sâu khi tham dự lớp học yoga hay học thiền.

 

Hay bạn có thể luyện tập theo cách đơn giản sau: Ngồi yên lặng trên ghế, nhắm mắt lại và cố gắng tập trung. Hãy loại bỏ dần những suy nghĩ căng thẳng. Hít sâu trong vòng 3 giây rồi sau đó từ từ thở ra trong vòng 9 giây. Lặp lại hành động trên trong vòng 1 đến 2 phút

 

9 Đừng làm việc quá muộn

 

Để có một sức khỏe tốt bạn phải biết cách duy trì cuộc sống ở trạng thái cân bằng. Làm việc trong thời gian quá dài rất có hại cho sức khoẻ của bạn, cho công việc cũng như cho gia đình bạn.

 

Chúng ta cần phải có thời gian nghỉ ngơi, thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Chúng ta cũng cần có những giây phút cho riêng mình để có thể chơi thể thao hay làm bất kỳ việc gì mình muốn mà không liên quan đến công việc. Làm việc một cách khôn ngoan chứ không nên làm việc trong một thời gian dài.

 

10. Đừng mang việc về nhà

 

Bạn thường chịu áp lực phải mang công việc về nhà bởi ai cũng làm như vậy. Hãy xoá bỏ thông lệ đó. Chúng ta cần phải có ranh giới giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi để giữ cho đầu óc luôn tỉnh táo. Hãy luôn nhớ phương châm: Làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc

 

N.A

Theo 4 Health

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm