Hiến tạng cứu người:

Bài 5: Sẽ thanh toán bảo hiểm y tế cho người hiến tạng

(Dân trí) - Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Bộ Y tế đã có những định hướng quan trọng mang tính bước ngoặt cho sự phát triển ngành hiến, ghép tạng Việt Nam. Ngoài đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho người hiến, Bộ đang quy hoạch phát triển ngành ghép tạng theo hướng chuyên nghiệp.

Quy định về bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người đã hiến bộ phận cơ thể đã có sự thay đổi cơ bản sau khi Luật BHYT sửa đổi năm 2014 được ban hành. 

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện BHYT thì người đã hiến bộ phận cơ thể được cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn Ngân sách nhà nước. Đồng thời, người hiến sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được quỹ BHYT thanh toán các chi phí liên quan đến dịch vụ ghép bộ phận cơ thể, thuốc chống thải ghép, chi phí thuốc, vật tư y tế, ngày giường bệnh như đối với người bệnh có thẻ BHYT khác.

Thông tư cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục làm thẻ BHYT cho người đã hiến bộ phận cơ thể, cũng như hướng dẫn thanh toán BHYT cho người đã hiến bộ phận cơ thể khi chưa có thẻ BHYT. 

Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến mà chưa có thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT; thủ trưởng cơ sở y tế nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định.

 

Bộ trưởng Kim Tiến cam kết thúc đẩy sự phát triển của ngành hiến, ghép tạng 
Bộ trưởng Kim Tiến cam kết thúc đẩy sự phát triển của ngành hiến, ghép tạng 

Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: “Về nguyên tắc, Luật đã quy định rõ quyền lợi và chế độ BHYT đối với người đã hiến mô, bộ phận cơ thể và người được ghép mô, bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật về BHYT. Để được thanh toán BHYT cho các chi phí này, hiện nay Bộ Y tế  đã xây dựng một số Quy trình kỹ thuật ghép thận, ghép gan... Trên cơ sở đó, các cơ sở y tế xây dựng cơ cấu giá gói dịch vụ lấy, ghép tạng trình liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính phê duyệt giá thì mới có cơ sở thanh toán BHYT.”

“Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, phức tạp và từ thực tiễn triển khai đòi hỏi phải xây dựng quy trình ghép tạng bao gồm đầy đủ chu trình từ việc: Xét nghiệm để thực hiện việc lấy tạng trên người cho sống; thực hiện kỹ thuật ghép; chăm sóc, phục hồi sức khoẻ ngay sau khi thực hiện việc hiến, ghép mô bộ phận cơ thể người. Đến nay, chưa có cơ sở y tế nào xây dựng hoàn chỉnh cơ cấu giá gói dịch vụ này để được phê duyệt và triển khai, nên phần lớn các chi phí trên vẫn chưa được quỹ BHYT thanh toán đồng bộ.”

Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định: “Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh việc xây dựng quy trình ghép tạng bao gồm đầy đủ chu trình từ việc: Xét nghiệm để thực hiện việc lấy tạng trên người cho sống; thực hiện kỹ thuật ghép; chăm sóc, phục hồi sức khoẻ ngay sau khi thực hiện việc hiến, ghép mô bộ phận cơ thể người. Trên cơ sở đó, các cơ sở y tế xây dựng cơ cấu giá gói dịch vụ lấy, ghép tạng trình liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính phê duyệt giá làm cơ sở thanh toán BHYT, bảo đảm quyền lợi Bảo hiểm Y tế của người hiến, người ghép bộ phận cơ thể.”

 

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm