Hiến tạng cứu người:

Bài 4: Cần “cởi trói” ngay trong chính sách

(Dân trí) - Luật bảo hiểm y tế, Luật hiến ghép các bộ phận cơ thể người đang tồn tại những hạn chế cản trở cả công tác chuyên môn lẫn khả năng đáp ứng của xã hội. Nếu không “cởi trói” ngay trong chính sách, cuộc vận động hiến ghép tạng khó đạt được thành công.

Không nên cấm bệnh nhân chết não dưới 18 tuổi hiến tạng

GS.TS Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc, bệnh viện Nhi Đồng 2 phân tích: Luật hiến ghép tạng có hiệu lực từ 2006 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho kỹ thuật này thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật còn một số hạn chế cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, Luật quy định cấm hiến tạng phủ ở người dưới 18 tuổi. Điều đó là hoàn toàn hợp lý đối với người đang sống khỏe mạnh bởi trong độ tuổi này, cơ thể đang phát triển nếu cho tạng sẽ làm mất thăng bằng cả thể chất và tâm thần. Nhưng, với những trường hợp chết não ngưng tim dưới 18 tuổi không nên cấm hiến tạng trong trường hợp đã có sự đồng ý của gia đình.

GS Trần Đông A dẫn chứng khó khăn khi ghép tạng trên bệnh nhi từ nguồn cho là người lớn: Trường hợp bệnh nhi chỉ có 10kg cần phải ghép tạng những quy định theo Luật hiến ghép tạng hiện tại khiến bệnh nhi không có cơ hội tìm được nguồn tạng phù hợp với độ tuổi, cân nặng của mình. Bệnh nhi muốn thực hiện ca ghép, buộc phải lấy tạng ở người trưởng thành, đó có thể là người thân trong gia đình hoặc nguồn tạng hiến từ người cho tự nguyện.

GS Trần Đông A (ngồi giữa) bên 2 bệnh nhi đã được ghép gan thành công
GS Trần Đông A (ngồi giữa) bên 2 bệnh nhi đã được ghép gan thành công

Ngoài sự chênh lệch về độ tuổi, người trưởng thành cân nặng cũng gấp nhiều lần bệnh nhi. Khi lấy tạng từ người hiến khoảng 50kg để ghép cho bệnh nhi 10kg, tạng hiến quá lớn chẳng những gây khó khăn khi đưa vào ổ bụng của trẻ mà sau ghép còn phải truyền dịch cho bệnh nhi trọng lượng 10kg như lượng dịch phải truyền cho một người lớn với cân nặng 50kg. Vấn đề trên dẫn đến những rủi ro rất lớn bởi bệnh nhi sau ghép có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng phù phổi cấp hoặc vỡ thận dẫn đến tử vong, nếu qua được bước đầu thì quá trình chống thải ghép suốt phần đời còn lại cũng sẽ rất khó khăn.

Tính riêng tại bệnh viện Nhi Đồng 2, năm 2014 có 9 trường hợp chấn thương sọ não nặng nên gia đình xin về. Tuy nhiên, Luật đã cấm hiến tạng ở trẻ dưới 18 tuổi, nên bệnh viện không thể đặt vấn đề xin tạng. Nếu cho phép hiến tạng ở bệnh nhân dưới 18 tuổi bị chết não đã được sự đồng ý của gia đình thì nguồn tạng hiến từ các bệnh nhi chết não sẽ cứu sống được rất nhiều bệnh nhi khác. GS Trần Đông A cho biết, trước bất cập trên, ông đã góp ý trong Luật Dân sự, xin sửa đổi quy định cấm hiến tạng ở trẻ dưới 18 tuổi thành cho phép những người dưới 18 tuổi bị chết não, được hiến tạng dưới sự đồng ý của thân nhân. GS Trần Đông A kỳ vọng, kiến nghị trên của ông sẽ sớm được Quốc hội thông qua.

Liên quan đến quy định về lấy tạng từ người hiến, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: Ở nước ngoài, khi người bệnh có tâm nguyện hiến tạng hoặc bệnh nhân chết não đã có thẻ đăng ký hiến tạng, y bác sĩ sẽ căn cứ trên tâm nguyện, căn cứ trên thẻ đăng ký hiến tạng của người bệnh để thực hiện việc lấy tạng khi người bệnh ngưng tuần hoàn mà không cần chờ ý kiến của gia đình.

Tuy nhiên, tại Việt Nam dù người bệnh đã có tâm nguyện hiến tạng hoặc đã có thẻ đăng ký hiến tạng, nhưng muốn lấy tạng bệnh viện vẫn phải chờ sự đồng ý của tất cả mọi người trong gia đình bệnh nhân. Sự chờ đợi trên có thể dẫn đến chậm trễ về mặt thời gian, khiến nguồn tạng hiến không thể sử dụng được. Do đó, Luật hiến ghép tạng cần có những quy định phù hợp để vừa thực hiện được tâm nguyện của người hiến, vừa tránh những rắc rối, khiếu kiện có thể xảy ra sau khi lấy tạng từ người cho. 

Chính sách bảo hiểm y tế cho hiến ghép tạng cần phải cải thiện

Ngoài những hạn chế trong Luật hiến ghép tạng, chính sách Bảo hiểm Y tế trong việc chi trả cho hiến ghép tạng đang làm nản lòng cả người muốn cho lẫn người có nhu cầu ghép. ThS. Lê Minh Hiển, Trưởng đơn vị Y Xã hội, kiêm Phó đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: Từ khi Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực đến nay số người cần ghép tạng ngày càng tăng, nhưng chính sách Bảo hiểm Y tế về việc cho tạng nhân đạo từ người cho sống vẫn chưa được thực hiện. Ngoài việc hiến tặng một phần cơ thể của mình, người hiến dù có bảo hiểm y tế cũng vẫn phải thanh toán các khoản chi phí khi hiến tạng, đó là điều bất hợp lý.

Do bảo hiểm y tế chỉ có hiệu lực sau khi hiến tạng nên đến nay, bảo hiểm y tế vẫn chưa chấp nhận thanh toán đối với các chi phí: Hồi sức cho người hiến đang trong cơn nguy kịch, phí xét nghiệm thuận hợp, phí thực hiện nhận tạng hiến từ người cho chết não, ngưng tim. Theo ThS. Minh Hiển: “Nếu bảo hiểm y tế không chi trả thì hoặc bệnh viện phải chi trả các khoản trên, hoặc bệnh nhân muốn có tạng phải bỏ tiền ra. Điều này sẽ làm méo mó sự trong sạch và tính nhân văn, nhân bản của việc hiến ghép tạng, đồng thời đi ngược lại Nghị định 43 của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”.

80% người nhà bệnh nhi có chỉ định ghép tạng tại Nhi Đồng 2 không lo nổi chi phí
80% người nhà bệnh nhi có chỉ định ghép tạng tại Nhi Đồng 2 không lo nổi chi phí

Chính sách bảo hiểm y tế chưa thực sự vào cuộc để ứng dụng thành tựu y học thế giới vào Việt Nam đã đẩy khoản phí phải chi trả của người nhận tạng lên cao, làm cản trở nhu cầu ghép của người bệnh. Để lo chi phí trước, trong phẫu thuật và hậu phẫu, người ghép tạng phải chuẩn bị từ 200 - 300 triệu. Khoản tiền quá lớn nên những người bệnh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn gần như không có điều kiện tiếp cận kỹ thuật ghép tạng. Nhiều ý kiến đưa mức chi phí cho cuộc ghép của bệnh nhân trong nước ra so sánh với bệnh nhân ghép ở nước ngoài là không hợp lý bởi thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam, hiện đang thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước có thực hiện kỹ thuật ghép tạng.

Dẫn chứng cụ thể cho bất cập trên, TS.BS Trương Quang Định, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2 cho hay: Sau 14 năm triển khai ghép tạng trên bệnh nhi, bệnh viện mới chỉ thực hiện được 14 ca ghép thận và 8 ca ghép gan. Đã có 63 trường hợp nằm trong chỉ định ghép gan nhưng chỉ có 8 ca được ghép. Người nhà của 80% trong số bệnh nhân trên, không đủ điều kiện ghép vì không lo nổi chi phí.

Để thực hiện 1 ca ghép gan, chi phí tổng công cho bệnh nhi là 150 triệu đồng, trong đó bảo hiểm chi trả 130 triệu đồng, người nhà chỉ phải chi trả 20 triệu. Tuy nhiên, người cho tạng sẽ tốn 50 triệu đồng cho riêng cuộc mổ lấy tạng do Luật Bảo hiểm Y tế chưa chi trả cho các chi phí lấy tạng từ người hiến. Các ca ghép thực hiện tại bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện, nguồn tạng hiến là từ người nhà nên gia đình bệnh nhân tự chi trả khoản chi phí lấy tạng.

Nếu có người hiến tạng tự nguyện thì ngoài việc cho đi một phần cơ thể, họ sẽ phải thanh toán chi phí cho bệnh viện lấy tạng. Để giải quyết vấn đề trên, ngoài việc lo chi phí cho cuộc ghép của bệnh nhân, Bảo hiểm Y tế cần phải có chính sách hợp lý để chăm lo cho cả người hiến tạng. Nếu chính sách bảo hiểm vẫn “cửa đóng then cài” không chi trả những khoản phí cho người hiến tạng thì cuộc vận động cộng đồng tham gia hiến tạng tự nguyện sẽ khó đạt được thành công.

Vân Sơn