1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bài 3: Đi đẻ bị “bỏ rơi”: Chuyện thường ngày ở huyện?

Các bác sỹ sản và lãnh đạo bệnh viện phụ sản cho biết việc hỗ trợ tinh thần cho người bệnh (đặc biệt là các sản phụ) còn hạn chế. Ngoài ra, chuyện “lơ là” trong thăm khám cho bệnh nhân là có thật!

Bài 3: Đi đẻ bị “bỏ rơi”: Chuyện thường ngày ở huyện?

Ở một số trường hợp, khi người nhà tiếp cận với sản phụ sau hàng giờ chờ đợi bặt vô âm tín thì sản phụ đã không còn (Ảnh minh họa) 
 
Hỗ trợ tinh thần: Cần nhưng không có!

 

Đánh giá về vai trò của việc hỗ trợ tinh thần đối với người bệnh nói chung và đặc biệt là các sản phụ nói riêng (bởi họ vào viện trong trạng thái bị kích động, hoảng loạn, lo lắng), bác sỹ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y khoa Thái Hà) cho rằng: Việc hỗ trợ tâm lý, tinh thần đối với các sản phụ là vô cùng quan trọng.

 

“Nếu sản phụ được an ủi, động viên, được hướng dẫn kịp thời, đúng cách thì có thể chi phối đến sự thành công hay thất bại của cuộc đẻ. Một khi sản phụ giữ vững được tinh thần nhờ những trợ giúp và chỉ dẫn chính xác, họ làm chủ được cảm xúc, từ đó biết giữ sức, biết cách thở đúng.

 

Có nhiều trường hợp về mặt bệnh lý thì hoàn toàn bình thường nhưng do kiệt sức vì kêu gào nên không thể đẻ thường. Cuối cùng, bác sỹ đành phải chỉ định đẻ mổ”, bác sỹ Dung nói.

 

Trong khi đó, bác sỹ chuyên khoa sản Bùi Thị Chút - người từng làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội suốt mấy chục năm và đỡ đẻ cho nhiều sản phụ - cho biết việc cho người thân vào cũng có hai mặt.

 

Ngoài việc sợ nhiễm khuẩn, có sản phụ khi có người nhà thì ì lại, không quyết tâm được nữa. “Nếu chỉ có một mình với bác sỹ thì bệnh nhân sẽ rất cố gắng. Mà cuộc đẻ nào muốn thành công thì sản phụ phải nỗ lực rất nhiều, không ai trợ giúp được họ ngoài bác sỹ. Nếu người nhà có chuyên môn thì nên khuyến khích cho vào để được hỗ trợ”, bác sỹ Chút nói.

 

Vì thế, theo quan điểm cá nhân của mình, lý tưởng nhất là sản phụ được tư vấn tâm lý kỹ trong quá trình khám thai và đặc biệt là phía bác sỹ đỡ đẻ, hộ sinh cần trợ giúp sản phụ kịp thời, chu đáo, tận tình khi chuyển dạ để họ tự tin “nhập cuộc”.

 

Tuy nhiên, cả hai giải pháp này hiện nay đều không được thực hiện tốt vì bệnh viện quá đông, bác sỹ không có đủ thời gian tư vấn kỹ cho sản phụ.

 

Trên thực tế, rất nhiều sản phụ đến khi sinh con tại các bệnh viện phụ sản cho biết nếu không chọn gói đẻ dịch vụ (phải trả tiền cao hơn) thì hầu như họ phải tự xoay sở một mình. Nữ hộ sinh và bác sỹ có mặt nhưng thái độ rất lạnh nhạt, khó chịu và không giúp được gì.

 

Một sản phụ kể lại câu chuyện khốn khổ của mình: “Khi tôi đau và buồn nôn quá, tôi gọi một nữ hộ sinh của Bệnh viện phụ sản Hà Nội xin giúp đỡ thì cô gái trẻ lạnh lùng nói: “Chị kéo cái giẻ dưới chân ra mà nôn, có vậy mà cũng phải gọi à?” khiến tôi sốc. Tôi không bao giờ nghĩ bác sỹ, y tá lại có thể vô cảm với người bệnh đến vậy”.

 

Có mặt thì giải quyết được việc gì?

 
Bài 3: Đi đẻ bị “bỏ rơi”: Chuyện thường ngày ở huyện?
Người nhà chờ đợi thông tin về tình hình sản phụ ở khoa đẻ 2, BV Phụ sản TƯ. Tâm lý chung của tất cả các gia đình là rất lo lắng và luôn muốn được biết thông tin về tình trạng sức khỏe của người thân, song hiện nay mong muốn chính đáng này chưa được đáp ứng (Ảnh: N.A)
 
Trao đổi về việc các sản phụ khi sinh con phải tự xoay sở, không nhận được sự trợ giúp đầy đủ từ bác sỹ, y tá, người thân, ông Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết đúng là hiện nay ở bệnh viện người nhà sản phụ không được vào phòng chờ đẻ cùng sản phụ để chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tinh thần (trừ những phòng đẻ dịch vụ được bố trí từng phòng riêng lẻ).

 

Theo ông Ánh, nguyên nhân khiến bệnh viện không cho người nhà vào trong phòng chờ đẻ là bởi số lượng sản phụ rất đông. Nếu cho ra vào thoải mái thì bệnh viện khó kiểm soát an ninh, đồng thời gây nhiễm trùng hoặc gây khó chịu cho các sản phụ bên cạnh.

 

Về các biện pháp hỗ trợ sản phụ khi không có người nhà bên cạnh trong lúc vượt cạn, ông Ánh cho biết: bệnh viện có cắt cử người trông (thường 1 hộ sinh trông coi 5 sản phụ, theo dõi từ việc nghe tim thai, hỗ trợ, hướng dẫn sản phụ, …)

 

Về việc nhiều sản phụ vào phòng đẻ, phòng mổ, phòng hậu phẫu quá lâu nhưng gia đình bên ngoài hoàn toàn không biết thông tin gì khiến họ rất sốt ruột, ông Ánh cho biết thông thường khi người bệnh đang được xử lý chuyên môn thì người nhà có gặp cũng không giải quyết được việc gì.

 

Hiện nay, Bệnh viện phụ sản Hà Nội chưa có kênh nào để cập nhật liên tục tình hình người bệnh cho người nhà bên ngoài yên tâm. Ông cũng hi vọng trong thời gian tới bệnh viện sẽ khắc phục được điểm này để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người bệnh.

 

Lơ là, “bỏ rơi” sản phụ: Chuyện phổ biến!

 

Khẳng định việc hỗ trợ tinh thần cho sản phụ và việc theo dõi sản phụ sát sao là chuyện hết sức quan trọng đối với thành công của ca đẻ song bác sỹ Chút cũng thừa nhận hiện nay việc sản phụ bị “lơ là” khi vào viện sinh con là chuyện có thật, thậm chí diễn ra khá phổ biến.

 

“Theo quy trình thì 30 phút phải nghe tim thai một lần, vì cuộc đẻ nào cũng diến biến nhanh, phức tạp, cần khám kịp thời. Nhưng vì đông quá hoặc vì một lý do nào đó mà bác sỹ không tập trung được hoặc bỏ qua một vài quy trình cần thiết khiến sản phụ không được can thiệp kịp thời, đầy đủ, có thể gây ra hậu quả đáng tiếc”, bác sỹ Chút cho hay.

 

Cách đây 2 năm, dư luận từng bức xúc vì trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Hoàng Oanh (28 tuổi), trú tại thị tỉnh Quảng Trị bị bỏ rơi đến chết.

 

Chị Oanh đã nhập việc từ 3 giờ chiều 26/4/2010 để sinh con và đến 10h30 tối cùng ngày mới vỡ ối. Tuy nhiên, khi đi gọi bác sỹ, gia đình nhận được câu trả lời: “Đừng làm ồn, vỡ ối rồi nhưng sinh con so phải tới 2 - 3 giờ sáng mới sinh?!”.

 

Kết cục là chị Oanh đau dữ dội, chảy máu nhiều. Khi cháu bé đã thò đầu ra ngoài thì các nữ hộ sinh của bệnh viện mới tới và đưa sản phụ đến phòng sinh và mãi hơn một giờ đồng hồ sau đó, bác sĩ của bệnh viện mới đến phòng sinh.

 

Sản phụ Oanh đã tử vong sau đó vì mất quá nhiều máu. Lãnh đạo Bệnh viện Khu vực Triệu Hải (tỉnh Quảng Trị) đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với hai nữ hộ sinh trên …

 

Câu chuyện của sản phụ Oanh khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc. Bởi trên thực tế, có những sản phụ cũng bị “lơ là” nhưng may mắn vẫn mỉm cười với họ …

 

Theo Ngọc Anh

Vietnamnet