1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bài 2: Những sản phụ “đơn thương độc mã”

Khi vào viện sinh con, họ dường như bị “bỏ mặc” và phải “tự bơi” một mình, đến người thân nhất cũng không được có mặt bên cạnh trong lúc vượt cạn.

Bài 2: Những sản phụ “đơn thương độc mã”

Nhiều sản phụ phản ánh họ không được bác sỹ thăm khám tận tình, có trường hợp phải nhờ người đi gọi bác sỹ can thiệp nhiều lần bác sỹ mới đến (Ảnh minh họa: N.A)
 
Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương kiêm Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, mỗi cuộc đẻ luôn phải được theo dõi chặt chẽ, sát sao vì trong sản khoa tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Tuy nhiên, nhiều sản phụ cho biết mỗi khi vào viện sinh con, họ dường như bị “bỏ mặc” và phải “tự bơi” một mình, đến người thân nhất cũng không được có mặt bên cạnh trong lúc vượt cạn.

 

Vợ vào phòng đẻ rồi… mất hút

 

6h20’ sáng ngày 5/5/2011, sản phụ Nguyễn Thị Anh Thư (SN 1984, trú tại phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) hạ sinh con gái nặng 3,6kg bằng phương pháp đẻ mổ tại bệnh viện phụ sản Hà Nội. Ngay sau khi sinh con, sản phụ Thư được chuyển đến phòng hậu phẫu.

 

Lúc này, vì nôn nóng và sốt ruột nên anh Phạm Văn Thịnh (chồng chị Thư) và gia đình muốn được gặp sản phụ, nhưng các bác sỹ không đồng ý với lời giải thích: “Đó là nguyên tắc”. Vì thế, từ 6h20 sáng đến gần 3 giờ chiều, cả nhà không ai biết thông tin gì về chị Thư.

 

Việc chị Thư “mất hút” khiến gia đình như ngồi trên đống lửa. Vì từ khi chị Thư vào phòng đẻ là gia đình không còn được gặp hay cập nhật thông tin gì của chị. Anh Thịnh và bà Đoàn Thị Báu (mẹ chị Thư) sốt ruột đi hỏi bác sỹ, y tá thì không ai biết chị Thư đang trong tình trạng như thế nào.

 

Chờ đợi suốt 9 tiếng đồng hồ (đến 3h chiều ngày 5/5) thì anh Phạm Văn Thịnh nhận được điện thoại của ông Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc bệnh viện phụ sản Hà Nội) với đề nghị xuống gặp để trao đổi tình hình sức khỏe của vợ.

 

Anh Thịnh không ngờ thông tin mà anh nghe được lại là thông tin xấu.

 

Lúc này, sau 9 tiếng bặt vô âm tín, anh Thịnh và gia đình được thông báo chị Thư bị hôn mê sâu do bị chảy máu não đột ngột.

 

Khi được nhìn thấy vợ, anh Thịnh đã thấy cơ thể vợ phù lên, đồng tử giãn, tay chân mềm nhũn không còn nhận biết được xung quanh.

 

Chị Thư được chuyển lên BV Bạch Mai cấp cứu nhưng sau 2 ngày hôn mê, chị đã tử vong.

 

Không chỉ riêng sản phụ Thư rơi vào tình trạng như trên mà nhiều người nhà của các sản phụ khác cũng phản ánh họ không được tiếp cận với người thân khi vào phòng đẻ, đẻ xong rồi cũng không được cập nhật thông tin.

 

Trong khi đó, việc vượt cạn của mỗi sản phụ đều rất cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ tinh thần của người thân. Nhưng nếu không chịu chi thêm tiền để hưởng gói đẻ dịch vụ thì sản phụ phải tự mình xoay sở mọi việc!

 

“Tiếng là có hộ sinh giúp đỡ nhưng các bà bầu đều phải tự lo, đau đớn cũng tự chịu, không ai nâng đỡ. Mỗi khi cần việc gì mà gọi họ là nhận lại thái độ rất khó chịu”, một sản phụ sau khi sinh con ở bệnh viện phụ sản Hà Nội phản ánh.

 

Bị bỏ rơi?

 

Không những vậy, nhiều sản phụ cũng nêu hiện tượng khi vào viện chờ sinh, họ không nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao về chuyên môn của các bác sỹ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

 

Trong khi đó, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương kiêm Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết mỗi cuộc đẻ luôn phải được theo dõi chặt chẽ, sát sao vì trong sản khoa tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường!

 

Trường hợp sản phụ Đinh Thị Hạnh (trú tại nhà số 2, ngách 105/15 Doãn Kế Thiện, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Chị Hạnh vào bệnh viện Phụ sản Hà Nội sinh con vào ngày đêm 19/5/2009.

 

Đến 6h sáng ngày 20/5, chị Hạnh bị ra máu nhiều. Gia đình đã đề nghị khám và mổ nhưng lúc này chỉ còn 2 y tá trực và họ cho biết họ không thể khám và không có quyền quyết định là mổ hay không mổ, cái này phải do bác sĩ trực quyết định.

 

Nhưng vào phòng bác sỹ trực thì không thấy ai, gia đình sản phụ Hạnh đã gọi cho một bác sỹ khác đã đăng ký từ trước nhưng bác sỹ này đang đi công tác.

 

“Cháu ra máu nhiều từ 6h sáng, ối đã bấm mà mãi đến 8 giờ sáng cháu mới được đưa lên bàn mổ. Suốt 2 tiếng đó con dâu tôi không được can thiệp hoặc khám gì cả”, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, mẹ chồng sản phụ Đinh Thị Hạnh thuật lại.

 

Cuối cùng, cháu nội bà Thủy nặng 3.07kg vừa ra đời đã tím tái và hai tiếng sau thì tử vong vì bị suy hô hấp!

 

Trường hợp sản phụ Hạnh có lẽ là điển hình cho những sản phụ khác cùng chung cảnh ngộ. Nhiều sản phụ sinh con tại bệnh viện phụ sản Hà Nội, bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết tâm lý sản phụ rất lo lắng, đặc biệt đến lúc có cơn đau nhưng sức khỏe lại gặp vấn đề.

 

Tuy nhiên, với bác sỹ, họ cho rằng đó là chuyện không có gì nghiêm trọng và bỏ qua khâu thăm khám cho bệnh nhân khiến nhiều người nhận hậu quả đáng tiếc…

 

Trước những phản ánh của sản phụ cho rằng khi vào viện họ thường bị “bỏ rơi”, không được bác sĩ theo dõi liên tục thường xuyên, có trường hợp phải gọi mãi bác sỹ mới tới hoặc khi được chỉ định mổ thì đã muộn, ông Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc bệnh viện khẳng định bệnh viện ông tuy đông bệnh nhân nhưng luôn theo dõi sản phụ sát sao, xử lý chuyên môn kịp thời!

 

Ngoài ra, việc xử lý chuyên môn thế nào cho chính xác, kịp thời thì chỉ có bác sỹ mới biết, do đó để bệnh nhân tự đánh giá sớm hay muộn là không khách quan!
 

“Bệnh nhân có làm sao đâu mà phải cập nhật tình hình liên tục?"

 

 Ngoài chuyện cho rằng bệnh viện đã chỉ định đẻ mổ chậm, người nhà sản phụ Thư còn vô cùng bức xúc vì không ai được vào thăm hoặc được cung cấp bất kì thông tin gì về tình hình sức khỏe của người thân cho đến khi bệnh nhân gặp sự cố.

 

Về điểm này, ông Nguyễn Duy Ánh chỉ giải thích ngắn gọn: “Gia đình nóng ruột là điều đương nhiên. Nhưng bệnh nhân có làm sao đâu mà phải cập nhật tình hình liên tục cho người nhà? Mọi thứ diễn ra ở nơi có máy móc hiện đại nhất, được theo dõi chặt chẽ và bác sỹ kiểm soát tốt!”

 

Theo Ngọc Anh

VietNamNet