1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cò khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu:

Bài 2: Nghe lời “cò”, tiền mất tật mang

(Dân trí) - Khi bệnh nhân nghe lời “cò” không vào bệnh viện Da liễu khám, “cò” sẽ dẫn bệnh nhân sang một phòng khám tư gần đó. Tại đây, bệnh nhân sẽ được “hưởng” những đơn thuốc giá cao gấp đôi thị trường, thậm chí nhiều loại thuốc không cần thiết và có thể gây phản ứng phụ cho bệnh nhân.

 

Nghe lời "cò", tiền mất tật mang.

Ngày 10/8, PV Dân trí quay lại khu vực trước bệnh viện Da Liễu tìm hiểu và tiếp tục được “cò” lôi kéo vào phòng khám trên đường Phạm Đình Toái. Lần này, phóng viên chủ động theo chân “cò” vào phòng khám này.

Thời điểm phóng viên được “cò” dẫn vào đây thì không có bác sỹ Nguyệt mà “cò” quảng cáo là bác sĩ trưởng khoa đã về hưu. Tại đây chỉ có một người đàn ông tự nhận là khám thay cho bác sỹ Nguyệt, vì bác sỹ Nguyệt bận họp. Người đàn ông này không mặc áo blue và không đeo bảng tên. Sau khi khám bằng thiết bị soi chiếu xong, ông chẩn bệnh là viêm da và kê toa thuốc.

Toàn bộ số thuốc này được bán với giá 530.000 đồng, bao gồm tiền khám 50.000 đồng.
Toàn bộ số thuốc này được bán với giá 530.000 đồng, bao gồm tiền khám 50.000 đồng.

Tiếp đó, phóng viên được hướng dẫn ra bàn bên ngoài gặp một phụ nữ mặc áo blue trắng tính giá thuốc và thu phí khám bệnh. Sau khi cộng trên máy tính, người phụ nữ này báo tổng số tiền là 530.000 đồng, trong đó có 50.000 đồng là chi phí khám bệnh, tức tiền thuốc là 480.000 đồng.

 

Người bán thuốc không mặc áo Blouse và người phụ nữ phía sau từ chối ghi rõ giá từng loại thuốc.
Người bán thuốc không mặc áo Blouse và người phụ nữ phía sau từ chối ghi rõ giá từng loại thuốc.

Một điều lạ là khi yêu cầu được ghi hóa đơn bán lẻ, người phụ nữ này ngập ngừng: “Chủ phòng khám không cho phép…”. Lấy lý do là phải về quyết toán lại với cơ quan, người phụ nữ này miễn cưỡng ghi con số 530.000 đồng vào toa thuốc. Khi hỏi lý do tại sao không cho ghi, người phụ nữ này chỉ trả lời: “Chủ phòng khám không cho phép, em ghi như vậy cũng là trái với quy định…”.

Theo toa thuốc phòng khám này kê có 5 loại, bao gồm: 1 chai thuốc bôi ngoài da Betadine; 4 vỉ Fazincol 70mg; 4 vỉ Nicofort 500mg; 2 vỉ Prednisolon 5mg; 3 vỉ Roxithromycin 150mg. Phóng viên đã mang số thuốc trên xuống khoa Dược của bệnh viện Da Liễu TPHCM để tìm hiểu giá thành. Khá bất ngờ, số thuốc trên không có loại nào bệnh viện sử dụng cho việc khám chữa bệnh.

Sau đó, phóng viên Dân trí tiếp tục mang số thuốc trên đến một nhà thuốc tư nhân chuyên trị bệnh da liễu nằm trước khu vực bệnh viện để khảo sát giá thị trường. Tại nhà thuốc thứ nhất, 4 loại thuốc ban đầu nhà thuốc có bán nhưng giá rẻ hơn rất nhiều, loại thứ 5 thì nhà thuốc này không bán nhưng giá thuốc cùng hoạt chất cao nhất là 5.000 đồng/viên. Tính tổng cộng đơn thuốc này thì giá chỉ là 235.000 đồng, so với giá của phòng khám “cò” dẫn đến khám thì thấp hơn đến 245.000 đồng, tức là chỉ bằng một nửa.

4 loại thuốc này chỉ có giá 87.000, còn loại thứ năm đắt nhất cũng chỉ 5.000/viên.
4 loại thuốc này chỉ có giá 87.000, còn loại thứ năm đắt nhất cũng chỉ 5.000/viên.

Tại nhà thuốc tư nhân thứ hai, giá 4 loại thuốc trên cũng tương tự, riêng loại thuốc thứ 5 thì nhà thuốc này cũng không có bán. Sản phẩm khác có cùng hoạt chất giá cao nhất chỉ gần 2.000 đồng một viên. Nhà thuốc thứ 3 cũng không bán loại thuốc thứ 5, nhưng thuốc có cùng hoạt chất giá cao nhất chỉ 4.600 đồng và thấp nhất là 2.000 đồng một viên. Tức là tổng giá bán đơn thuốc trên cũng chỉ bằng một nửa so với giá bán của phòng khám mà “cò” trước cổng bệnh viện Da liễu giới thiệu.

Một điều bất thường khác là trong đơn thuốc phòng khám này kê có hai vỉ thuốc Prednisolon 5mg. Theo một vị lãnh đạo bệnh viện Da liễu TPHCM, nếu chỉ bị viêm da thì việc kê thuốc này không phù hợp và chưa đến mức sử dụng, tức là phòng khám trên kê thừa.


Đây là phần thuốc kê thừa.

Đây là phần thuốc kê thừa.

Trao đổi về việc chống chỉ định, lãnh đạo bệnh viện cho rằng nếu kê thuốc này thì phải chú ý tiền sử bệnh dạ dày của bệnh nhân. Khi kê loại thuốc này phải hỏi rõ bệnh nhân có các bệnh lý về dạ dày hay không. Nếu bệnh nhân có tiền sử bệnh dạ dày và buộc phải sử dụng loại thuốc này thì kê kèm một loại thuốc chống kích ứng bao tử, nếu không có thể sẽ dẫn đến phản ứng phụ. Trong khi đó, nhân viên kê đơn thuốc này không hề hỏi thông tin bệnh lý của phóng viên.

Quá nhiều điểm bất thường của một toa thuốc của phòng khám trên đường Phạm Đình Toái mà “cò” dẫn bệnh nhân đến. Vì sao quy trình khám không đề cập đến tiền sử bệnh lý của bệnh nhân? Vì sao lại có chuyện kê thuốc thừa? Vì sao chủ phòng khám không cho nhân viên ghi giá thuốc trên toa?...

Trong kế hoạch xử lý nạn “cò mồi” trước bệnh viện Da liễu TPHCM mà Công an phường 6, quận 3 thực hiện từ tháng 5/2015, Công an phường 6 đã đề nghị cấp trên có kế hoạch kiểm tra, xử lý hoạt động của phòng khám này. Thế nhưng, đến nay phòng khám vẫn hoạt động bình thường.

Theo Phòng Quản lý Fịch vụ y tế, thuộc Sở Y Tế TPHCM thì phòng khám này đã được Sở cấp phép hoạt động. Hoạt động chuyên môn của phòng khám là khám bệnh, chữa bệnh các bệnh ngoài da.

Ngày 28/8, những vấn đề trên đã được Báo điện tử Dân trí gửi đến Sở Y Tế bằng văn bản nhưng đến ngày 28/9 chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng. Bạn đọc báo Dân trí vẫn đang chờ câu trả lời có trách nhiệm từ Sở Y tế!

P.N