1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 "khai gian", cả bệnh viện khốn đốn

Vân Sơn

(Dân trí) - Một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai tiếp xúc với ca bệnh đưa trẻ đến Nhi Đồng 1 khám mắt. Cả bệnh viện đã phải căng mình thực hiện xét nghiệm, cách ly các trường hợp tiếp xúc.

Khoảng 5 giờ 30 phút đến 9 giờ ngày 2/2/2021, ông Trần Thanh C. (SN: 1989) đi kèm bệnh nhân là con bà Lê Thị Hương G. sinh ngày 23/10/2020 đến phòng khám Mắt tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 khai gian, cả bệnh viện khốn đốn - 1
Hành vi khai báo không trung thực của bác sĩ tiếp xúc với ca bệnh đã khiến bệnh viện Nhi Đồng 1 phải vất vả phòng chống dịch

Ông Trần Thanh C. là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính (F0) là Trần Hoàng M. Ông Trần Thanh C. đến bệnh viện Nhi Đồng 1 và thực hiện tờ khai y tế theo quy định.

Tuy nhiên, trên Tờ khai y tế, ông Trần Thanh C. ghi địa chỉ 45 Trần Thiện Chánh, Quận 10, TPHCM và tự khai không có yếu tố dịch tễ. Ông được bộ phận sàng lọc phân loại là đối tượng không có yếu tố nguy cơ nên được phân vào phòng khám Mắt.

Vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 2/2, bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận được thông tin ông Trần Thanh C. là F1 do tiếp xúc với ca bệnh tại Gia Lai. Phía bệnh viện đã khẩn trương điều tra truy vết, trích xuất camera và thực hiện cách ly 20 nhân viên y tế (nhóm tiếp xúc F2). Tất cả nhân viên y tế đều được thực hiện xét nghiệm Realtime PCR SARS-CoV-2.

Bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 khai gian, cả bệnh viện khốn đốn - 2
Các mẫu xét nghiệm lần thứ nhất của cả trường hợp F1 và F2 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều âm tính với SARS-CoV-2

Ngày 4/2 kết quả xét nghiệm 20 nhân viên bệnh viện thuộc diện F2 đều âm tính. Liên quan đến trường hợp trên, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, kết quả xét nghiệm của ông Trần Thanh C. (F1) cũng âm tính với SARS-CoV-2.

Sau 2 ngày khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và kết quả các xét nghiệm của các đối tượng diện F1, F2 đều âm tính, bệnh viện tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo các tiêu chí của Bộ Y tế. Công tác khám chữa bệnh tại Nhi Đồng 1 vẫn diễn ra bình thường.

Bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 khai gian, cả bệnh viện khốn đốn - 3
Khai báo y tế là việc cần thiết, đòi hỏi tính trung thực của mỗi người để kịp thời ngăn chặn, truy vết phòng chống dịch

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh chia sẻ: "Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp F1 đưa bệnh nhi đến khám, toàn bệnh viện đã một đêm thức trắng, hồi hộp lấy mẫu, cách ly F2. Ngày hôm sau, cả buổi sáng chúng tôi chờ thông tin của trường hợp F1 và vui mừng khi biết đã âm tính. Đến sáng nay, các kết quả xét nghiệm đều âm tính, mọi việc đã ổn. Toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện một phen hú vía. Chúng tôi xem đây như một cuộc diễn tập và chiến đấu cẩn thận để an toàn và an toàn hơn cho mọi bệnh nhân".   

Khai báo y tế trong sàng lọc Covid-19 đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ thật sự chỉ phát huy tác dụng khi người khai báo trung thực và nội dung khai báo phải luôn được cập nhật kịp thời, nhất là yếu tố dịch tễ. Từ thực tế trên, Sở Y tế TPHCM đề nghị các bệnh viện cần phải tăng cường cải tiến chất lượng hoạt động khai báo y tế, phải triển khai chuyển đổi số trong khai báo y tế, và cần sàng lọc nhiều cấp độ (tại khoa Khám bệnh, tại các khoa Nội trú,…) tránh để "lọt lưới" các trường hợp F1.

Bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 khai gian, cả bệnh viện khốn đốn - 4
Sở Y tế cho biết sẽ cải tiến quy trình khai báo y tế để hạn chế tối đa nguy cơ "lọt lưới" ca bệnh

Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế về ứng dụng khai báo y tế trong tầm soát tại các bệnh viện, Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ triển khai phần mềm ứng dụng trong khai báo y tế. Phần mềm sẽ giúp các bệnh viện dễ dàng cập nhật nội dung khai báo, rút ngắn thời gian khai báo, cảnh báo quản lý khai báo, phân tầng quản lý khai báo… để hạn chế những nhược điểm của phương án khai báo thủ công đang triển khai tạc các bệnh viện hiện nay.