Sợ Covid-19, khách "đổ bộ" lên chợ online mua vàng mã cúng Tết Táo quân
(Dân trí) - Thay vì ra chợ mua vàng mã, đồ cúng lễ ngày ông Công ông Táo như mọi năm, nhiều người chọn cách ở nhà, lên chợ mạng đặt hàng online.
Dịch Covid-19 đang bùng phát, quay trở lại khiến cho thói quen của nhiều người tiêu dùng đang dần thay đổi. Như ngày cúng lễ ông Công, ông Táo năm nay, thay vì ra chợ mua vàng mã, đồ cúng như mọi năm, nhiều người chọn cách ở nhà, lên chợ mạng đặt hàng online.
Chị Minh Thương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách 1 tuần trước Tết ông Công ông Táo, chị đã lên sàn thương mại điện tử tìm mua vàng mã. Chị mua 1 combo gồm tiền vàng, cá chép, mũ, hài cỡ lớn bằng giấy với giá 120.000 đồng (đã bao gồm phí vận chuyển).
"Tính ra so với mua ở chợ cóc, bộ vàng mã này còn rẻ hơn 15.000 - 20.000 đồng. Không những thế, cách mua hàng online này còn giúp hạn chế việc đi lại, tiếp xúc với người lạ trong mùa dịch" - chị nói.
Nhưng theo chị, khách mua đồ trên các sàn thương mại điện tử thì nên đặt trước từ 3 - 5 ngày, do cửa hàng sẽ mất thời gian xác nhận đơn, lưu kho và gửi vận chuyển. Còn nếu mua trên chợ mạng thì sẽ nhanh hơn vì khách có thể yêu cầu quán gửi hàng cấp tốc.
"Thực ra, nhà tôi là gia đình trẻ nên nghĩ mọi việc khá thoáng, hiện đại. Chứ nhiều người, mua gì thì mua chứ không bao giờ mua đồ cúng lễ, vàng mã trên chợ online, bởi họ cho rằng như thế là không thành tâm, mất lộc. Nhưng tôi nghĩ, mọi thứ cũng nên thay đổi dần dần để phù hợp với tình hình" - chị Thương nói.
Đồng quan điểm, anh Minh Vũ (Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) cho rằng, từ ngày dịch Covid-19 trở lại, hầu hết đồ dùng trong nhà anh đều mua trên mạng và hàng mã cũng không ngoại lệ.
"Tôi thấy hoa, quả, vật dụng đều có thể mua online thì vàng mã tại sao lại không thể. Miễn là khi cúng, khi mua chúng ta thành tâm là được, chứ cũng không cần kiêng quá nhiều. Đặc biệt là khi dịch bùng phát, việc hạn chế tiếp xúc đông người là điều quan trọng nhất" - anh nói.
Chị Ngọc Thảo, tiểu thương bán đồ vàng mã chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người có thói quen đi chợ online. Để bắt kịp xu hướng, ngoài bán trực tiếp ở cửa hàng, chị còn bán trên chợ mạng, sàn thương mại điện tử. Hàng ngày, chị sẽ chụp ảnh, quay video mẫu sản phẩm rồi đưa lên các hội, nhóm. Nếu khách ưng ý, chị sẽ xin lại thông tin và gửi hàng.
"Hiện nay, việc mua sắm online cũng khá là phổ biến, bởi nó vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, khách giờ rất tinh và sành, khi mua, họ yêu cầu phải cung cấp hình ảnh, video sản phẩm thật. Thế nên, cửa hàng nào mà làm ăn bát nháo là cũng sập như thường" - chị kể.
Hơn nữa, chị Thảo còn cho rằng, riêng đồ thờ cúng, vàng mã là mặt hàng tâm linh nên cả tiểu thương và khách khi mua cũng rất cẩn thận. Tuy nhiên, đồ hàng mã đa phần đều làm từ giấy, nên khi vận chuyển hay bị méo, rách. Do đó, trước giao đồ, người bán phải kiểm tra lại, bọc gọn và gói kỹ.