Bác sĩ sơ suất, người bệnh lãnh đủ

Gần đây nhiều bạn đọc liên tục phản ảnh về việc bác sĩ ở một số bệnh viện tại TPHCM chẩn đoán sai; việc phẫu thuật, điều trị cũng để xảy ra tai biến, gây tử vong cho người bệnh… nhưng cuối cùng chỉ được bệnh viện “rút kinh nghiệm”...

Bác sĩ sơ suất, người bệnh lãnh đủ - 1


Chủ nhật, máy “nghỉ”...

 

Anh Tạ Anh Tuấn, con trai bà Trần Thị Nga (55 tuổi, Q.Thủ Đức), mẹ anh đến Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cấp cứu vì đau bụng. Tại đây bà Nga được bác sĩ khám, cho làm xét nghiệm và siêu âm bụng. Anh Tuấn báo với bác sĩ mẹ anh có tiền sử sỏi mật nhưng bác sĩ siêu âm khẳng định túi mật không có sỏi.

 

Bà Nga được chuyển vào khoa tiêu hóa chờ nội soi xem có bị loét bao tử. Thấy bà Nga uống thuốc giảm đau nhưng không bớt, anh Tuấn xin cho bà Nga được nội soi kiểm tra sớm. Tuy nhiên, một nhân viên trả lời “Chủ nhật máy móc nghỉ hết, thứ hai mới nội soi được”!

 

Thấy vậy, anh Tuấn đưa bà Nga qua Bệnh viện An Sinh. Tại đây, bác sĩ siêu âm phát hiện bà Nga có sỏi kẹt ở cổ túi mật đã làm mủ. Bà Nga được chẩn đoán viêm túi mật cấp do sỏi phải chuyển qua Bệnh viện Bình Dân mổ gấp và đã qua cơn nguy kịch. Anh Tuấn đề nghị Bệnh viện Nhân Dân Gia Định xem xét lại thiết bị chẩn đoán, chấn chỉnh việc bác sĩ khám bệnh sơ sài.

 

Trả lời khiếu nại của anh Tuấn, bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhân Dân Gia Định – nói:Kkhi vào cấp cứu bà Nga được sơ bộ chẩn đoán và làm các xét nghiệm lâm sàng. Đến sáng tình trạng đau bụng của bệnh nhân có giảm, dù bác sĩ trực giải thích cần được theo dõi và làm thêm các xét nghiệm nhưng bệnh nhân vẫn cương quyết xin về.

 

“Chúng tôi ghi nhận bác sĩ siêu âm có sai sót. Ban giám đốc bệnh viện đã yêu cầu các bộ phận, bác sĩ chẩn đoán sai rút kinh nghiệm”, bác sĩ Vũ nói.

 

Chẩn đoán sai

 

Ông Lê Minh Tâm nhiều lần viết thư phản ảnh về trình độ chuyên môn yếu kém của bác sĩ Bệnh viện Q.8, TPHCM khiến vợ ông là bà N.T.T. (57 tuổi, Q.8) tử vong. Theo ông Tâm, 6h ngày 3/6 ông đưa vợ đến cấp cứu tại Bệnh viện Q.8 vì bị đau bụng.

 

Lúc này bệnh viện không có bác sĩ trực mà chỉ có y tá tập sự đo huyết áp, chích thuốc giảm đau cho vợ ông. Hơn 7h mới có bác sĩ H. đến khám bệnh. Sau đó, vợ ông được cho làm các xét nghiệm và truyền dịch. Đến 11h, bác sĩ H. nói bệnh của bà T. không có gì nguy hiểm, chỉ bị rối loạn tiêu hóa, cho toa thuốc về nhà điều trị. Ông Tâm xin bác sĩ cho vợ ở lại theo dõi vài ngày.

 

10h ngày 4/6 bà T. thở gấp, huyết áp tụt. Thấy tình trạng bà T. nguy cấp, bác sĩ cho chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Tại đây, qua xét nghiệm bác sĩ phát hiện vợ ông Tâm bị nhiễm trùng máu và bà T. đã tử vong đêm 4/6. Ông Tâm bức xúc nói nếu bác sĩ xác định được bệnh lý, chuyển ngay vợ ông đến bệnh viện lớn thì bà đã không tử vong.

 

Giải thích về ca tử vong này, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bệnh viện Q.8 - khẳng định khi bệnh nhân vào cấp cứu bệnh viện có bác sĩ trực chứ không phải y tá tập sự. Theo bác sĩ Thủy, căn cứ triệu chứng, bác sĩ nghĩ bệnh nhân có thể bị rối loạn tiêu hóa, nhưng khi siêu âm lại thấy thận bệnh nhân ứ nước nên đã chẩn đoán theo hai hướng: một là có rối loạn tiêu hóa, hai là rối loạn tiêu hóa kèm cơn đau quặn thận...

 

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ xác định bà T. bị choáng nhiễm trùng do vi khuẩn E.coli. Theo bác sĩ Thủy, E.coli là vi khuẩn bình thường thường trú trong ruột. Khi E.coli ra khỏi đường tiêu hóa vào máu hoặc cơ quan nội tạng khác sẽ trở thành vi khuẩn độc lực cao và gây tình trạng nhiễm trùng rất nặng. Do bệnh bà T. diễn tiến nặng quá nhanh nên bác sĩ của Bệnh viện Q.8 trở tay không kịp. Bệnh viện và các bác sĩ đã nghiêm túc rút kinh nghiệm chuyên môn, đồng thời đến gia đình ông Tâm chia buồn, xin lỗi...

 

Đặt ống thông tiểu thủng ruột non

 

Anh Trương Minh Hiếu - cháu ngoại bệnh nhân L.T.T. (88 tuổi, Đồng Tháp) - gọi đến đường dây nóng phản ảnh ông T. bị bí tiểu phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy mổ thông tiểu, đặt ống tiểu. Tuy nhiên, bác sĩ mổ thông tiểu đã làm thủng ruột non khiến ông T. bị nhiễm trùng, phải mổ lại lần hai.

 

Sau mổ lần hai, bác sĩ thông báo với người nhà là ông T. có thể bị tử vong và ông đã qua đời sau khi điều trị tại đây. Anh Hiếu búc xúc nói tay nghề của bác sĩ mổ thông tiểu quá yếu nên mới dẫn đến cái chết của ông T..

PGS.TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết qua thăm khám, bác sĩ thấy ông T. lớn tuổi, cơ thể gầy gò, bị bệnh cao huyết áp - những yếu tố nguy cơ cao dễ gây tai biến trong và sau mổ - nên quyết định thông tiểu bằng phương pháp phẫu thuật mở bàng quang ra da và gây tê tại chỗ. Sau mổ bệnh nhân được bác sĩ theo dõi nhưng tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng.

 

Qua hội chẩn khoa, nghi ngờ ông T. bị biến chứng viêm phúc mạc trong ổ bụng nên đã cho mổ cấp cứu. Khi mổ cấp cứu xử trí, bác sĩ phát hiện quai ruột của ông T. bị thủng. Bệnh nhân được cắt bỏ đoạn ruột bị thủng, nối lại ruột và rửa sạch ổ bụng. Tuy nhiên, do nhiễm trùng nặng cộng thêm lớn tuổi, gầy, cao huyết áp nên bệnh nhân đã tử vong.

 

TS Trần Ngọc Sinh cho rằng do túi cùng phía trước bàng quang của ông T. xuống quá thấp nên khi phẫu thuật thông tiểu bác sĩ thực hiện đã làm thủng ruột bệnh nhân. Theo ông Sinh, đây là biến chứng hiếm gặp khi mở bàng quang ra da bằng phương pháp này. Bệnh viện và khoa tiết niệu đã họp rút kinh nghiệm chuyên môn. Riêng bác sĩ phẫu thuật phải chịu hình thức kỷ luật là hạ bậc thi đua.

 

Bệnh viện nên mua bảo hiểm phòng rủi ro

 

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay tiền lệ trước nay đều thực hiện theo hướng bệnh viện và bệnh nhân thỏa thuận đền bù, trong trường hợp xảy ra tai biến y khoa do lỗi của bệnh viện. Do đền bù tùy thỏa thuận nên nhiều bệnh nhân thiệt thòi.

 

Luật khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 quy định cơ sở khám chữa bệnh mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả trong trường hợp xảy ra tai biến y khoa. Tuy nhiên hiện mới có một số bệnh viện quốc tế mua loại hình bảo hiểm này, còn các bệnh viện công thì chưa do chưa có kinh phí, trong khi rủi ro trong y khoa là bất khả kháng.

 

Theo đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, khi có tranh chấp liên quan đến khám chữa bệnh, người bệnh và bệnh viện có thể đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn, trường hợp bồi thường không thỏa đáng người bệnh có thể khiếu nại ra tòa án. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội từng thụ lý vụ gia đình sản phụ ở Bệnh viện VP (Hà Nội) kiện đòi bồi thường 300.000 USD sau tai biến làm hai bé song sinh tử vong. Kết quả bệnh viện đã phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 64 triệu đồng cho tổn thất về sức khỏe, tinh thần và tài chính trước và sau sinh.

 

Tuy nhiên đây là vụ kiện hi hữu liên quan đến tai biến y tế. Còn một trường hợp tử vong do truyền nhầm nhóm máu tại một bệnh viện khác, cơ quan công an cũng đã vào cuộc xem xét vụ việc.

 

Trong trường hợp nghi ngờ bệnh viện chẩn đoán sai, Luật khám chữa bệnh cũng quy định bệnh nhân có quyền từ chối khám chữa bệnh, chuyển tuyến hoặc chuyển viện. Nhưng trong trường hợp từ chối khám chữa bệnh, bệnh nhân hoặc người nhà phải viết cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra nguy hiểm tính mạng, sức khỏe.

 

Quy định này cũng có thể gây thiệt thòi cho bệnh nhân trong trường hợp người bệnh có bảo hiểm y tế, tự ý chuyển tuyến sẽ không được tính mức chi trả như trường hợp chuyển tuyến có giấy giới thiệu của bệnh viện tuyến dưới.

 

 

Theo Lê Thanh Hà - Lan Anh

Tuổi trẻ