Bác sĩ sản khoa lý giải bé trai “đội” vòng tránh thai chào đời
(Dân trí) - Đặt vòng là biện pháp tránh thai an toàn, rẻ tiền, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, giống như nhiều biện pháp tránh thai khác, cách này không có hiệu quả bảo vệ 100%.
Một phụ nữ ở Hải Phòng mới đây sinh hạ một bé trai khỏe mạnh, dù trước đó chị đã đặt vòng tránh thai được 2 năm. Các bác sĩ xác định vòng vẫn đặt đúng vị trí nhưng thai vẫn làm tổ. Vì thế, dù đã có 2 con nhưng gia đình vẫn quyết định giữ lại thai nhi vì nghĩ rằng đã đặt vòng rồi mà vẫn có thai là điều kỳ diệu.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), vòng tránh thai là một dụng cụ được đặt vào trong tử cung của người phụ nữ nhằm ngăn trứng làm tổ trong tử cung. Tuy nhiên, thực tế không có một biện pháp tránh thai nào có tác dụng 100% trừ khi cắt tử cung.
Lấy ví dụ, thuốc tránh thai có thể được sử dụng an toàn để ngừa thai trong 5 năm. Nếu chị em nhớ uống thuốc đều đặn mỗi ngày và đúng giờ thì hiệu quả ngừa thai rất cao, nhưng cũng chỉ trên 99%. Thậm chí ngay cả biện pháp triệt sản ở nữ giới (thắt ống dẫn trứng) thì vẫn có tỷ lệ nhất định, dù thấp chỉ một trên vài nghìn trường hợp.
“Khi chị em đặt vòng để tránh thai thì vẫn có thể dính bầu, tỷ lệ này khoảng 2-3%. Tuy nhiên, những trường hợp này không nhiều so với hiệu quả kế hoạch hoá gia đình rất lớn mà đặt vòng mang lại”, BS Dung nói.
Bên cạnh đó, đặt vòng mà vẫn dính bầu thì cũng có thể do vòng đã hết hạn từ lâu. Với mỗi loại vòng, nhà sản xuất đều có thời hạn sử dụng nhất định (5 năm, 8 năm…). Nếu để quá lâu trong cơ thể, không lấy ra thì khả năng có thai ngoài ý muốn càng cao hơn.
Ngoài ra, khi đặt vòng mà có bầu thì chị em cũng không cần quá lo lắng, không cần phải lấy vòng ra vì nó nằm ngoài ối nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Đặt vòng là biện pháp tránh thai an toàn, rẻ tiền, đạt hiệu quả cao. Điều chị em cần lưu ý là sau khi đặt, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra tình trạng, vị trí của vòng. Ngoài ra đến thời gian hết hạn của vòng, đến tuổi mãn kinh thì nên lấy vòng ra.
Bác sĩ Dung khuyến cáo, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng, khi đặt vòng chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra tình trạng, vị trí của vòng. Ngoài ra đến thời gian hết hạn của vòng, đến tuổi mãn kinh thì nên lấy vòng ra.
Theo thống kê mới nhất, có ít nhất 17 biện pháp tránh thai để chị em chọn lựa như uống thuốc hằng ngày, đặt vòng, bao cao su, cấy quy tránh thai... Mỗi biện pháp đều có ưu nhược điểm nhất định. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, điều kiện sức khỏe, kinh tế và tâm lý, mỗi người có thể lựa chọn một phương pháp tránh thai phù hợp với bản thân.
Ngoài ra, bác sĩ Dung cũng lưu ý cách tránh thai như theo dõi chu kỳ kinh, xuất tinh ngoài âm đạo, cho con bú, kiêng giao hợp âm đạo... là cách tránh thai tự nhiên đơn giản, không tác dụng phụ tuy nhiên tỷ lệ thất bại cao.
Ví dụ khi chọn cách xuất tinh ngoài âm đạo, tỷ lệ thất bại trung bình khoảng 27%. Chính những giọt tinh dịch đầu tiên chứa nồng độ tinh trùng cao nhất, có khả năng thụ thai.
Hà An