Bác sĩ phải về gần dân thì giảm tải mới bền vững

(Dân trí) - Nếu đội ngũ bác sĩ tay nghề giỏi vẫn ngồi ở tuyến trên, chờ bệnh nhân đến thì quá tải là chuyện tất yếu. Người hành nghề cần về tuyến cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho từng người dân để gây dựng lòng tin, thu hút người bệnh, từ đó giảm tải bền vững.

Đó là chia sẻ của BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện Quận Thủ Đức - đơn vị đang đi đầu trong việc thực hiện hiệu quả kế hoạch tăng cường nhân lực bác sĩ bệnh viện quận cho trạm y tế tuyến phường xã tại TPHCM.

Nhiều trạm y tế phường xã đang… bỏ không

Trong buổi lễ ra quận đưa 10 bác sĩ tại bệnh viện quận 2, TPHCM về trạm y tế tuyến phường xã, PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 Sở Y tế sẽ triển khai khoảng 2.000 bác sĩ tuyến quận huyện về trạm y tế phường xã chăm lo sức khỏe ban đầu cho người dân. Bước đầu, nhân lực tăng cường sẽ đảm nhận công tác khám chữa những loại bệnh thông thường nhưng sau đó phát triển các kỹ thuật chuyên khoa sâu.

Một bệnh nhân đang được siêu âm kiểm tra tại trạm y tế theo mô hình bác sĩ gia đình
Một bệnh nhân đang được siêu âm kiểm tra tại trạm y tế theo mô hình bác sĩ gia đình

Thực hiện chủ trương trên, các bệnh viện tuyến quận huyện trên toàn thành phố đang khẩn trương lên kế hoạch triển khai. Trao đổi với phóng viên, ngày 25/4 BS Đinh Thanh Hưng, Giám đốc bệnh viện Quận Tân Phú cho hay: “Chúng tôi đã khảo sát các cơ sở y tế dự phòng, trạm y tế tại 11 phường xã trên địa bàn quận. Thực tế ghi nhận, tại đây mỗi ngày một trạm y tế chỉ có từ 1 đến 2 bệnh nhân đến khám. Người bệnh đến kiểm tra sức khỏe chỉ là bệnh nhân hắt hơi, sổ mũi thông thường.”

Bệnh ít hoặc không có bệnh nhân khiến các trạm y tế gần như bị bỏ không. Xác định đây là sự lãng phí rất lớn, bệnh viện quận Tân Phú đang lên kế hoạch trình UBND quận để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hiện thí điểm đưa bác sĩ về 3 trạm y tế xa bệnh viện nhất để chăm lo sức khỏe cho người dân. “Chúng tôi sẽ từng bước nhân rộng mô hình, tiến tới phủ kín bác sĩ của bệnh viện tại trạm y tế phường xã, mang dịch vụ y tế chất lượng đến với người dân.” BS Thanh Hưng chia sẻ.

Không chỉ các trạm y tế tại quận Tân Phú đang “đói người bệnh”, trạm y tế tại nhiều quận huyện khác cũng trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, sau khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (từ đầu tháng 3, người dân được quyền lựa chọn khám tại nơi đăng ký bảo hiểm ban đầu hoặc đến thẳng các bệnh viện tương đương tuyến quận huyện nhưng vẫn hưởng trọn gói quyền lợi bảo hiểm) thì tuyến y tế phương xã càng “vắng như chùa bà đanh” dịch vụ y tế tại đây đối mặt với nguy cơ “chết yểu”.

Phải xây dựng lòng tin cho người bệnh bằng chất lượng dịch vụ

Theo phân tích của Sở Y tế, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do nhân lực các trạm y tế phường xã vừa thiếu, vừa yếu. Mỗi trạm trung bình chỉ có 1 bác sĩ nhưng phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ nên không còn thời gian tham gia công tác khám chữa bệnh. Mặt khác, trang thiết bị tại trạm y tế cũng thiếu thốn, gây khó khăn cho công tác chuyên môn.

Y tế tuyến cơ sở yếu kém là nguyên nhân gây mất lòng tin ở người bệnh, khiến bệnh nhân dồn lên tuyến trên
Y tế tuyến cơ sở yếu kém là nguyên nhân gây mất lòng tin ở người bệnh, khiến bệnh nhân dồn lên tuyến trên

Hơn 3 năm trước, bệnh viện Quận Thủ Đức, TPHCM là nơi tiên phong thí điểm thực hiện mô hình đưa bác sĩ về trạm y tế phường xã. BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi đau bụng, đau đầu, cảm cúm… người dân cũng đổ xô vào bệnh viện, ngồi chờ nhiều giờ mới đến lượt khám. Thực tế trên không chỉ gây quá tải bệnh viện, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị mà còn lãng phí thời gian, tiền bạc cho chính người bệnh.”

Để giải quyết tình trạng trên, bệnh viện Quận Thủ Đức đã chủ trương đưa bác sĩ của mình (vẫn thuộc biên chế, hưởng chế độ tại bệnh viện) về các trạm y tế khám chữa bệnh cho dân. Đến nay, 12/12 trạm y tế phường thuộc quận Thủ Đức đều có bác sĩ của bệnh viện quận thăm khám, điều trị. Tại mỗi trạm y tế, các bác sĩ tăng cường đã cơ bản giải quyết được những bệnh lý thông thường, đồng thời xử lý kịp thời, sơ cấp cứu, chăm sóc ban đầu cho những ca bệnh nặng trước khi chuyển về bệnh viện để can thiệp chuyên môn sâu.

Bệnh viện Quận Thủ Đức sẽ phát triển chuyên khoa sâu tại phòng khám Đa khoa Vệ tinh ở trạm y tế
Bệnh viện Quận Thủ Đức sẽ phát triển chuyên khoa sâu tại phòng khám Đa khoa Vệ tinh ở trạm y tế

“Bác sĩ đa khoa của bệnh viện quận thường xuyên túc trực ngay tại trạm y tế nên bà con nhân dân trên địa bàn rất tin tưởng, mỗi khi gặp sự cố về sức khỏe, nơi bệnh nhân tìm đến đầu tiên là trạm y tế. Với số lượng hàng chục bệnh nhân đến khám và điều trị tại mỗi trạm y tế trong ngày, về cơ bản bệnh viện quận Thủ Đức đã “giữ chân” được người bệnh tại cơ sở, hạn chế tối đa những ca bệnh chuyển tuyến, vượt tuyến không cần thiết.” BS Minh Quân chia sẻ.

Cũn theo BS Minh Quân: Để hướng tới thực hiện những kỹ thuật can thiệp, điều trị chuyên khoa sâu ngay tại tuyến cơ sở, được sự chấp thuận và ủng hộ của Sở Y tế, sắp tới bệnh viện quận Thủ Đức sẽ triển khai xây dựng phòng khám Đa khoa Vệ tinh ở 2 trạm y tế phường. Bệnh viện sẽ đầu tư trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác chuyên môn. Tại mỗi phòng khám vệ tinh, sẽ có từ 6 đến 8 bác sĩ với trình độ chuyên môn vững vàng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

BS Minh Quân cho rằng: “Chỉ với một bệnh viện, dù hiện đại đến đâu cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu của người bệnh. Bệnh viện muốn giảm tải thì y tế tuyến cơ sở phải vững mạnh. Chúng tôi đang xây dựng mô hình bác sĩ gia đình, gần dân, chăm sóc sức khỏe cho từng người bệnh. Bác sĩ muốn người bệnh hài lòng, gắn bó thì phải tạo dựng được sự tin tưởng bằng tay nghề vững vàng kết hợp với chất lượng dịch vụ và sự chăm sóc tận tình. Những bác sĩ về tuyến phường xã nhận nhiệm vụ, ngoài chế độ chung của bệnh viện sẽ được khen, thưởng thêm để khích lệ tinh thần cống hiến cho công việc.”

Vân Sơn