Bác sĩ ngồi Hà Nội hội chẩn ca ung thư ở Thái Bình

Từ đầu Hà Nội, các bác sĩ BV Răng Hàm Mặt Trung ương hội chẩn ca ung thư tuyến nước bọt phức tạp tại Thái Bình.

Tại buổi khai trương Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa ngày 28/8, BV Răng Hàm Mặt Trung ương đã hội chẩn trực tuyến cùng lúc 6 ca bệnh khó. 5 điểm cầu gồm bệnh viện tuyến tỉnh Lai Châu, Tuyên Quang, Hoà Bình, Ninh Bình và Thái Bình trực tiếp theo dõi các ca bệnh.

Ca bệnh phức nhất là trường hợp mắc ung thư tuyến nước bọt hàm dưới tại Thái Bình. Phía BV đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, bệnh nhân là Trần Thị H., 46 tuổi ở huyện Đông Hưng có tiền sử khỏe mạnh.

Bác sĩ ngồi Hà Nội hội chẩn ca ung thư ở Thái Bình - 1

Hình ảnh khối u góc hàm trái của bệnh nhân H. được BV đa khoa tỉnh Thái Bình báo cáo

Cách đây 3 tháng, chị H. phát hiện hàm trái có cục u nhỏ, gần đây to nhanh và đau nhiều nên đi khám. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân suy kiệt, thiếu máu do thiếu sắt, vùng góc hàm trái có khối u 2x3 cm, xung quanh có nhiều hạch nhỏ.

Các bác sĩ tuyến tỉnh chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư tuyến nước bọt, dự định phẫu thuật cắt u, nạo vét hạch. Tuy nhiên do bệnh nhân thiếu máu nghiêm trọng, chưa xác định được thể u cũng như giai đoạn, sau phẫu thuật xạ trị hay hoá trị… nên các bác sĩ tuyến dưới xin ý kiến các chuyên gia đầu Hà Nội hướng xử lý.

PGS.TS Lê Ngọc Tuyến, Trưởng khoa phục hình hàm mặt, BV Răng Hàm Mặt Trung ương đánh giá, đây là ca bệnh rất khó. Khác với ung thư khoang miệng có lộ trình rất rõ, với ung thư tuyến nước bọt đòi hỏi phải xét nghiệm chính xác mới có quyết định điều trị chính xác.

PGS Tuyến cho rằng, các bác sĩ tuyến dưới đã chọc hút tế bào rất chuẩn để xét nghiệm nhưng chưa xác định được thể ung thư. Ung thư tuyến có nhiều dạng, tuyến nang hay nhầy bì... Mỗi thể có cách can thiệp khác nhau.

Bác sĩ ngồi Hà Nội hội chẩn ca ung thư ở Thái Bình - 2

5 điểm cầu cùng theo dõi hội chẩn

PGS đề nghị tiếp tục chọc hút tế bào bằng kim nhỏ để xác định loại ung thư. Nếu không làm được trước khi phẫu thuật, trong quá trình mổ sẽ phải sinh thiết tức thì để xác định tên bệnh và biểu hiện sinh học, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể.

Theo PGS Tuyến, nếu khối u ở giai đoạn 3-4, cần cắt toàn bộ khối u, nạo vét hạch, sau mổ làm giải phẫu bệnh tất cả các vị trí. Nếu ung thư tuyến nang, phải xạ trị sau phẫu thuật.

Trường hợp khối u dạng khác, có di căn hạch, xâm lấn nhiều dây thần kinh, hệ bạch huyết… cũng phải bóc sạch khối u và hạch trước khi xạ trị.

TS Nguyễn Tấn Văn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Răng Hàm Mặt Trung ương lưu ý, ca bệnh này thiếu máu nặng, do đó phải truyền máu cho bệnh nhân trước khi mổ, khi nào chỉ số HgB đạt trên 9 có thể phẫu thuật được.

Trong quá trình mổ, các bác sĩ cần có phương án dự trù máu để bổ sung kịp thời, sau mổ cần bổ sung thêm sắt.

Ngoài ca bệnh nói trên, các bác sĩ cũng đã hội chẩn cho 5 trường hợp khác, hầu hết là chấn thương vùng hàm mặt phức tạp sau tai nạn giao thông.

PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, trước đây để hỗ trợ tuyến dưới, bác sĩ sẽ phải về tận nơi hướng dẫn 1-1 hoặc hội chẩn từ xa 1-1.

Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, bác sĩ có thể hội chẩn cùng lúc nhiều ca bệnh, nhiều điểm cầu cùng theo dõi, học hỏi giúp nâng cao năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới.

Riêng tại BV Răng Hàm Mặt Trung ương, hiện có 30 bệnh viện tuyến dưới đăng ký khám chữa bệnh từ xa thường xuyên.

Bác sĩ ngồi Hà Nội hội chẩn ca ung thư ở Thái Bình - 3

Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhìn nhận, răng hàm mặt là chuyên ngành quan trọng, hỗ trợ về phát âm, nhai, thẩm mỹ... Việt Nam có gần 100 triệu dân và hơn 10 triệu người cao tuổi nên sức khoẻ răng miệng cần đặc biệt quan tâm.

“Nhờ khám chữa bệnh từ xa, giờ đây người dân vùng sâu vùng xa cũng được tiếp cận với các kỹ thuật răng hàm mặt tiên tiến nhất hiện nay”, PGS Khuê nói.

Theo ông Khuê, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa đã được ban hành ngày 22/6 với 2 mục tiêu: Thứ nhất, giúp các cơ sở y tế tuyến dưới được hỗ trợ chuyên môn liên tục; Thứ hai, giúp mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên bởi đội ngũ thầy thuốc chuyên môn cao.

Ngay sau đó, Bộ Y tế cũng đã thành lập Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid – 19 đặt tại cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho thấy hiệu quả rất tốt của mô hình này.

Ông Khuê cho biết đến nay đã có hơn 200 bệnh viện tham gia hội chẩn từ xa với các bệnh viện lớn như BV Đại học Y Hà Nội, BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nội Tiết, BV Răng Hàm Mặt Trung ương… giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế đặt mục tiêu sẽ có 1.000 cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh từ xa trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm