(Dân trí) - Việc chăm sóc sức khỏe, cứu người của y bác sĩ ở thời đại 4.0 giờ đây không còn đơn thuần là cầm dao kéo trên bàn mổ, tận tuỵ công việc ở bệnh viên.
BÁC SĨ "NGHÌN LIKE" KỂ CHUYỆN CỨU NGƯỜI, CHỐNG DỊCH TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Trong guồng quay của sự phát triển, tất cả mọi lĩnh vực đều phải liên tục thay đổi, cập nhật để thích nghi, tồn tại và phát triển, ngành y cũng không phải là ngoại lệ. Chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân, cứu người ở thời đại 4.0 không còn là những nhiệm vụ chỉ được giới hạn trong phòng khám hay trên bàn mổ!
Ngành y trong thời đại 4.0: Cơ hội và thách thức
Trong thời đại 4.0, mạng xã hội đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng của mình đối với tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống và đương nhiên ngành y cũng không phải là ngoại lệ. Không cần nói đâu xa, ngay trong chính dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, chúng ta đều có thể nhận thấy được những tác động to lớn mà nó có thể gây ra.
Có thể nói, mạng xã hội đang vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với lĩnh vực y tế. Một thực tế không thể phủ nhận là nhờ vào mạng xã hội, mà gần như chưa có đợt dịch nào, những thông tin tuyên truyền của Bộ Y tế, các cơ quan ban ngành và cả đội ngũ y bác sĩ có thể được truyền tải đến người dân nhanh, kịp thời, với sự đa dạng về hình thức đến thế.
Tuy nhiên, thách thức mà thế giới ảo này mang lại là không hề nhỏ, khi mà nạn tin giả đang được cộng hưởng với sự tiếp nhận thông tin quá dễ dãi của người dân, gây ra những hậu quả to lớn, đồng thời đặt lên vai của những y, bác sĩ đang gồng mình chống dịch thêm một gánh nặng ngoài virus corona. Những chia sẻ của bác sĩ Trần Quốc Khánh, phẫu thuật viên khoa phẫu thuật cột sống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người vẫn được cộng đồng mạng ưu ái gọi với cái tên “Bác sĩ nghìn like” hay “Bác sĩ quốc dân”, cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về điều này.
Chuyến xe “định mệnh” trên đường làng dẫn lối đến nghề y
Người ta thường nói “việc chọn người” vậy quyết định đến với nghề y của bác sĩ có chăng cũng xuất phát từ một cơ duyên nào đó?
Thông thường lý do đi theo nghề y hay gặp nhất là truyền thống gia đình, vì đây là một công việc đặc thù, thường cần 1 người dẫn dắt từ đầu như: bố mẹ, ông bà... Tuy nhiên câu chuyện của tôi có lẽ như bạn nói, nó được khởi đầu từ một cơ duyên.
Quay lại thời điểm những năm tháng học cấp 3, thời đó tôi đam mê môn sinh học và tìm hiểu về con người, đó cũng là môn học thế mạnh của tôi. Năm lớp 12, tôi thi đậu giải quốc gia môn sinh học và được tuyển thẳng vào đại học cũng như được ưu tiên chọn trường. Lúc đó, tôi phân vân giữa 2 lựa chọn: vào trường y hay vào đại học sư phạm để trở thành thầy giáo dạy môn sinh học theo tấm gương người thầy tôi kính mến. Xin chia sẻ thêm là gia đình và nói rộng ra là trong họ của tôi chưa có ai theo ngành y.
Tình cờ một ngày đang đạp xe ra thị xã, tôi gặp bà cụ đi bộ bên đường nên ngỏ ý chở giúp. Qua cuộc trò chuyện dọc đường, tôi được biết cụ đang lên viện chăm con trai bị tai nạn, nằm hôn mê cả tháng ở bệnh viện tỉnh. Nhà có gì quý giá đều đã bán, kể cả con trâu (là đầu cơ nghiệp của người nông dân) cũng đã ra đi. Câu chuyện thương tâm của bà ám ảnh và tạo cho tôi động lực to lớn để quyết định trở thành người bác sĩ.
Biến thông tin y học nhàm chán khô khan, nhiều khi còn lạnh lùng và sợ hãi thành những bài viết dễ đi vào lòng người
Được biết đến là một bác sĩ “nghìn like” với rất nhiều bài viết, livestream về kiến thức sức khỏe cho cộng đồng trên mạng xã hội, bác sĩ có thể chia sẻ lý do vì sao mình lại lựa chọn con đường này?
Nhiều người vẫn tưởng tôi là tín đồ công nghệ lâu năm nhưng thực ra tôi tiếp cận với mạng xã hội rất muộn, với Facebook tôi mới tham gia 4-5 năm nay. Việc trở thành bác sĩ “mạng xã hội”, tên gọi vui mà mọi người dành cho tôi, cũng tình cờ. Một lần tôi phẫu thuật bệnh nhân với bệnh cảnh đặc biệt, với mong muốn giúp mọi người biết được thông tin y học đó nên tôi đã chia sẻ câu chuyện lên trang cá nhân, đương nhiên là những chia sẻ đó luôn đảm bảo những nguyên tắc về quyền riêng tư của bệnh nhân. Tôi rất bất ngờ khi nhiều người tỏ ra thích thú và cảm ơn vì đã chia sẻ thông tin hay. Song song với điều đó, tôi cũng nhận thấy thời gian mọi người dành cho mạng xã hội bây giờ tương đối nhiều, ít xem những kênh truyền thống như tivi, báo giấy hay radio hơn. Thêm nữa, kiến thức y học thường thức của người dân mình nói chung vẫn chưa cao. Chính những yếu tố đó đã tạo động lực để tôi tiếp tục duy trì chia sẻ những thông tin y học thường thức đều đặn trên mạng xã hội, với mong muốn góp phần nhỏ sức mình nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
Những kiến thức y học thường rất khô cứng, vậy bí quyết của bác sĩ là gì để biến nó trở thành một nội dung hấp dẫn, đi vào lòng người, có thể cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm giải trí dễ dung nạp, vốn luôn nhan nhản trên không gian mạng xã hội?
Đúng như bạn nói, kiến thức y khoa vô cùng nhàm chán khô khan, nhiều khi còn lạnh lùng và sợ hãi nên mọi người rất ngại đọc. Nhưng đổi lại mọi người ai cũng biết sức khoẻ là vốn quý, cho nên ít nhiều ai cũng quan tâm. Yếu tố quan trọng ở đây là làm sao để truyền tải những thông tin này một cách tự nhiên, dễ hiểu và cô đọng nhất.
Đầu tiên tôi chọn những ca bệnh thú vị để chia sẻ. Đồng thời, tôi không bao giờ tập trung quá nặng nề vào kiến thức chuyên sâu mà hướng đến kiến thức y học dự phòng, thứ mà mỗi người dân đều có thể hiểu và dễ dàng thực hiện. Kết hợp lời văn dí dỏm, gần gũi…nên mọi người thường đón nhận cũng như động viên.
Đến thời điểm hiện tại, bác sĩ đã có những kênh chia sẻ thông tin sức khỏe nào trên không gian mạng và trong tương lai, bác sĩ có dự định phát triển thêm những nội dung nào không?
Hiện tại, về cơ bản tôi đã phát triển đầy đủ các kênh: Facebook cá nhân và fanpage, website, kênh Youtube… chuyên về y học để chia sẻ kiến thức sức khoẻ đến cộng đồng.
Tới đây, tôi tập trung phát triển các video sức khoẻ trên Youtube, với kì vọng sẽ đăng tải 2 video mỗi tuần, với thời lượng mỗi video tầm 5 phút để nói về một nội dung sức khoẻ nào đó và chia sẻ những điều ấy đến cộng đồng. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ mở rộng hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội khác như: Zalo, Twitter và cả Instagram . Ngoài ra, tôi cũng đang ấp ủ kế hoạch chia sẻ kiến thức y khoa cho cả cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam, bởi bây giờ ở nước ta người ngoại quốc rất nhiều. Do đó, có thể sắp tới tôi chia sẻ cả những bài viết bằng phiên bản tiếng anh để tạo cơ hội cho người nước ngoài được tiếp cận với bác sĩ Việt Nam trong quá trình thăm khám và chữa trị. Thành thực chia sẻ, bác sĩ Việt Nam cũng rất giỏi, nhiều kinh nghiệm và chi phí thì chắc chắn thấp hơn ở hầu hết các nước rồi.
Điều mà tôi mong muốn đạt được sau cùng chính là để bất cứ ai dùng mạng xã hội có cơ duyên gặp bác sĩ Khánh, đều nhận được kiến thức sức khỏe mỗi ngày.
Tình yêu với công việc đang làm chính là nguồn năng lượng không bao giờ cạn
Xuất hiện trên mạng xã hội là hình tượng một chàng thanh niên hài hước, trẻ trung, năng động, thậm chí nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng anh là một phẫu thuật viên. Cuộc sống đời thường đằng sau chiếc áo blouse của anh có đúng như thế?
Cuộc sống của tôi ngoài đời không giống như hình tượng trên mạng xã hội, mà…sôi động và vui vẻ hơn nữa. Vì sao tôi lại luôn giữ được một tinh thần lạc quan như thế?
Trước hết, xin nhấn mạnh tôi rất yêu thích công việc mà mình đang làm, từ thăm khám bệnh nhân đến mổ xẻ và cả hoạt động y khoa trên các trang mạng xã hội. Chứng kiến mọi người đón nhận những điều bổ ích từ công việc của mình, bản thân tôi cảm thấy vô cùng vui và ý nghĩa. Đây chính là nguồn năng lượng bất tận tôi không bao giờ cạn. Mọi người bảo tôi rằng: “Sao bác sĩ Khánh khi nào cũng thấy cười?”. Câu trả lời rất đơn giản “Vì tôi thấy cuộc đời ý nghĩa và đáng sống”.
Bên cạnh nguồn năng lượng tích cực từ công việc, yếu tố khác rất quan trọng đối với tôi đó là cân bằng cuộc sống. Nhiều năm trước tôi may mắn có đọc cuốn sách mang tên “Luật Hấp Dẫn”, đó là một tác phẩm mà tôi khuyên các bạn trẻ đều nên đọc. Cuốn sách chia sẻ làm sao để mỗi người có thể cân bằng được các yếu tố cuộc sống như: sức khỏe, gia đình, tài chính, sự nghiệp, cống hiến cho xã hội, niềm yêu thích. Khi đã hiểu được cuộc đời gồm có những yếu tố gì, chúng ta cần chia sẻ đều như nhau, hoặc chỉ chênh nhau 1 chút thôi, nếu quá nghiêng về một số yếu tố và bỏ qua những thứ còn lại thì chúng ta sẽ bị mất cân bằng trong cuộc sống. Sau khi đọc xong cuốn Luật Hấp Dẫn, tôi liền áp dụng trong cuộc sống luôn: khi nào là công việc, khi nào là thể thao, khi nào dành cho gia đình, xã hội, khi nào cần trải nghiệm cuộc sống, du lịch. Thực tế cuộc sống tôi đã chứng kiến quá nhiều người mải chạy theo danh vọng, tiền bạc hoặc quyền lực…mà bỏ quên mất gia đình, con cái hoặc cả việc quan tâm đến sức khoẻ. Để rồi đột ngột một ngày nhìn lại, mái tóc đã già và mọi tiếc nuối giờ đã muộn. Đến với cuộc đời với hai bàn tay trắng và khi ra đi ai cũng như vậy, xin đừng biến mình thành tỷ phú ở làng…nghĩa trang.
Một điều tôi tâm niệm và thực hành mỗi ngày để mang lại niềm vui nữa đó là “Sống là để cho đi”. Là thầy thuốc, tôi tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh mỗi ngày, chứng kiến nỗi đau đớn về thể xác và sự suy sụp về tình thần của bệnh nhân…tôi luôn cố gắng “nâng đỡ” họ lên nhiều nhất có thể. Một cái nắm tay, một lời hỏi thăm động viên…hay một lời chỉ dẫn trong quá trình thăm khám, chữa trị…bệnh nhân đã thấy cả một niềm tin to lớn. Hết sức mình có thể, tối cố gắng đồng hành cùng bệnh nhân và gia đình họ vượt qua nỗi đau.
Là một người nổi tiếng trên mạng xã hội, chắc hẳn bác sĩ cũng đã có nhiều kỷ niệm vui đến từ các “fan hâm mộ” của mình?
Kỷ niệm thì rất là nhiều nhưng tôi xin chia sẻ một câu chuyện rất đơn giản, mộc mạc nhưng để lại cho tôi nhiều ấn tượng và bất ngờ.
Chuyện xảy trong 1 chuyến công tác về Vũng Tàu năm 2019. Một hôm tranh thủ thời gian rảnh, tôi có vào một cửa hàng để mua giày, lúc đó mặc áo quần bình thường nhưng khi bà chủ quán thấy tôi bước vào đã nhận ra và hỏi ngay: “Anh có phải bác sĩ Khánh hay chia sẻ kiến thức sức khoẻ trên mạng không?”. Khi biết vậy cô ấy rất vui, và khoe rằng, mình là fan thường xuyên của bác sĩ.
Ở một nơi cách Hà Nội rất xa, mọi người vẫn nhận ra và hân hoan chào hỏi thực sự đem đến cho tôi nhiều niềm vui và sự cảm kích. Những kỉ niệm như vậy như tiếp thêm năng lượng để tôi tiếp tục công việc ý nghĩa của mình.
“Từ bé đến giờ tôi chưa phải đi bệnh viện lần nào”: Câu nói gây ám ảnh với người bác sĩ
Qua trải nghiệm khi làm một bác sĩ “mạng xã hội”, có những thực trạng nào mà anh cảm thấy băn khoăn hay không?
Cá nhân tôi mạnh dạn chia sẻ hai vấn đề sức khoẻ người dân mình đang vướng mắc, và đây là ý kiến của cá nhân tôi nhé!
Trước hết, mặc dù mọi người hiểu được giá trị của sức khỏe nhưng mức độ quan tâm đến sức khỏe còn chưa được cao. “Từ bé đến giờ đây mới là lần đầu tiên tôi đi viện” hay “Tôi thấy trong người bình thường nên không đi khám” là những lời Bs vẫn thường được nghe trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân cũng như mọi người. Đây chính là những câu nói làm Bs buồn và ít nhiều cảm thấy “bất lực”. Khi để bệnh tật “nhắc nhở” bằng những triệu chứng như chán ăn, thiếu máu, gầy sút cân, ra mồ hôi trộm…đồng nghĩa với sự thật rằng chúng ta đã đi đến khúc cuối của con đường bệnh tật. Ở đó, người thầy thuốc có giỏi đến đâu, công nghệ y học có phát triển đến cỡ nào thì cơ hội chiến thắng cũng không còn nằm trong tay chúng ta nữa.
Trái ngược với thực trạng đầu tiên mà tôi đề cập, bên cạnh những người không quan tâm đến những kiến thức cho sức khỏe, lại có không ít người quá dễ dãi tiếp nhận thông tin về sức khỏe, để rồi áp dụng theo hoặc không tiếc công chia sẻ. Đương nhiên, việc chia sẻ một kiến thức y khoa cho cộng đồng sẽ rất là tốt nhưng chỉ khi giá trị đã được kiểm chứng. Chắc bạn cũng sẽ đồng ý với tôi rằng, tin giả trên mạng xã hội về vấn đề y khoa là có, là tương đối nhiều và thực sự nguy hiểm. Đáng buồn thay, chính sự dễ dãi của nhiều người dân, như tôi vừa đề cập, lại là thứ nuôi sống và “thổi phồng” lên độ phủ sóng cũng như tác hại của tin giả.
“Mọi sai lầm về mặt y khoa đều phải đánh đổi bằng sức khỏe và thậm chí là tính mạng”. Chính vì vậy, tôi mong mọi người nếu ở không gian mạng, thì chỉ tiếp nhận hoặc chia sẻ thông tin được đăng tải bởi những người thầy thuốc hoặc từ những trung tâm y khoa chính thống. Ngược lại, nếu thông tin chưa được thẩm định hoặc được viết bởi những người không có chuyên môn sâu về sức khỏe thì cần tìm hiểu và cân nhắc.
Vậy trong chính công tác chuyên môn tại Bệnh viện, bác sỹ đã từng gặp những hậu quả có thật, xuất phát từ chính những vấn đề vừa nêu hay chưa?
Rất nhiều bạn ạ, công việc chính là một phẫu thuật viên cột sống, nên có những kỷ niệm khiến tôi ám ảnh, xuất phát từ nhận thức chưa cao về rủi ro trong vấn đề sức khỏe của mọi người.
Năm ngoái, có 1 bạn sinh viên đại học năm cuối, trong lúc chờ lấy bằng tốt nghiệp có đi phượt ở Tây Bắc, để rồi bị ngã gãy cột sống cổ, khi đến Việt Đức đã liệt tứ chi. Với những tổn thương như vậy, cơ hội để hồi phục và đi lại được là rất thấp. Bạn thấy đấy chỉ một giây phút bất cẩn thôi mà cả bầu trời đã sụp đổ.
Ca bệnh này cũng là một bài học mà tôi muốn gửi gắm đến mọi người. Xin mọi người hãy lưu ý các trải nghiệm mạo hiểm cần vô cùng cân nhắc. Ai cũng biết rằng, ở nước ngoài trước khi tham gia các trải nghiệm mạo hiểm, từ chơi dù lượn, lướt ván hay đi phượt, mọi người đều phải học, phải trang bị đủ những kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn cho mình cũng như mọi người.
Câu chuyện thứ 2 mà tôi muốn kể, chính là một ví dụ điển hình cho thực trạng tiếp nhận thông tin về sức khỏe quá dễ dãi của một số người. Nhiều người khi bị bệnh xương khớp thường chưa nghĩ đến việc vào viện, mà sẽ lựa chọn hàng xóm mách bảo đâu thì nghe theo: đi thầy lang, đắp lá, bốc thuốc…Nghĩa là đều ưu tiên những cách không chính thống trước, nếu không đỡ mới đến viện. Năm ngoái, tôi gặp trường hợp 1 bác ở Hà Nam đau cột sống cổ, đi tiêm chọc kéo nắn nhiều nơi để rồi chảy máu gây chèn ép tuỷ cổ cấp tính và gây liệt tứ chi. Ca đó tôi phải mổ cấp cứu đến 2h sáng hôm sau mới xong, may mắn bệnh nhân sau đó bình phục và đi lại được.
Tốc độ lan truyền nhanh của mạng xã hội là con dao 2 lưỡi
Hãy nói về một chủ đề đang rất nóng trong thời gian này: Dịch Covid-19. Chúng tôi đã từng trò chuyện với những bác sỹ, y tá ở ngay trên tuyến đầu chống dịch là Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và được chia sẻ rằng, trong cuộc chiến chống dịch lần này, kẻ thù đáng sợ nhất không phải virus corona, mà chính là sự hoảng loạn quá mức của cộng đồng do nạn tin giả gây ra. Là người đang chống dịch trên “mặt trận” mạng xã hội, cuộc chiến của bác sỹ đang diễn ra như thế nào?
Đúng như điều mà bạn vừa nói, chống dịch Covid-19 lần này là vừa chống dịch trên thực tế, vừa chống dịch trên mạng. Tôi xin nhấn mạnh nhiệm vụ chống dịch trong thực tế là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, như những gì mà chúng ta thấy ở thời điểm hiện tại, mạng xã hội quả thực đã cho thấy sức ảnh hưởng vô cùng lớn của nó.
Về mặt tích cực, nhờ vào mạng xã hội mà chưa bao giờ những thông tin về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, của các cấp các ngành và của chính những bác sĩ như chúng tôi lại đến được với cộng đồng nhanh và kịp thời đến vậy.
“Tốc độ lan truyền thông tin nhanh” cũng chính là con dao hai lưỡi, bởi bên cạnh lực lượng cán bộ ngành y, còn có những người vì một mục đích nào đó, sẵn sàng chia sẻ những thông tin giả, nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng. Đáng tiếc là những thông tin không chính thống, sai sự thật như vậy vẫn đang còn nhiều và được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, gây nên những sự hoang mang không đáng có trong người dân, và vô tình đặt lên vai những người thầy thuốc đang chống dịch thêm một gánh nặng.
Vậy mạng xã hội là “có ích” hay “có hại” trong cuộc chiến chống dịch lần này, nói rộng ra là trong lĩnh vực y tế, phụ thuốc rất lớn vào hành động của lực lượng các cán bộ ngành y cũng như cơ quan thông tin truyền thông, trong đó có cả việc phát hiện xử lý những tin giả. Cùng với đó, chính mỗi người dân cũng cần trở thành một người dùng mạng xã hội thông thái để biết cân nhắc, chọn lọc thông tin và có trách nhiệm với mỗi lượt “chia sẻ” của mình.
Về phần mình, trong đợt dịch Covid-19 lần này, tôi đang tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, chia sẻ những bài viết về nội dung giúp dự phòng lây nhiễm virus trong gia đình và cả ở cộng đồng.
Thứ hai, hỗ trợ mọi người kiểm chứng những thông tin về Covid-19 trên mạng xã hội, với những thông tin sâu về mặt chuyên môn, tôi thường trao đổi với những chuyên gia về lĩnh vực này trước khi trả lời hay tư vấn.
Thứ ba, đóng vai trò là cầu nối giữa những cá nhân-tập thể cung cấp khẩu trang cũng như dung dịch sát khuẩn với những ai đang có nhu cầu, để mọi người có thể được tiếp cận những sản phẩm trên với giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng.
Tôi nghĩ trong thời đại 4.0, mỗi bác sĩ ngoài việc trau dồi chuyên môn, đạo đức, những thứ cốt lõi của người thầy thuốc, thì nếu có cơ hội và thời gian hãy cố gắng chia sẻ các thông tin y học cho cộng đồng trong lĩnh vực của mình. Mỗi người đều chia sẻ một phần như vậy thì sự lan tỏa sẽ là rất lớn vì có hàng chục nghìn y bác sĩ. Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân, nhưng khi tất cả chung tay, cộng đồng sẽ được đón nhận rất nhiều những thông tin sức khoẻ bổ ích và mùa xuân sẽ tới”
- Xin cảm ơn bác sĩ Trần Quốc Khánh đã chia sẻ cùng độc giả Dân trí!
Minh Nhật
Ảnh & Video Trọng Trinh